Khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập tới Ấn Độ với hơn 350.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, người dân nước này phải gắng gượng chống đỡ dịch bệnh. Trước tình trạng hệ thống y tế quá tải, gia đình các bệnh nhân Covid-19 phải nhờ tới mạng xã hội để tìm cách cứu sống người thân, theo BBC.
Từ sáng đến tối, họ lùng sục trên Instagram, gửi tin nhắn trong các nhóm WhatsApp và liên tục gọi điện thoại. Gia đình các bệnh nhân Covid-19 làm vậy để tìm giường bệnh, oxy, thuốc Covid-19 Remdesivir và huyết tương. Theo BBC, cảnh tượng này thực sự hỗn loạn và choáng ngợp.
Trong một nhóm chat, dòng tin nhắn mới hiện lên: "Còn trống hai giường ICU". ICU là phòng điều trị tích cực, thường dành cho các ca bệnh nặng.
Vài phút sau, tin nhắn này biến mất. Giường trống cũng không còn bởi ai đó đã nhanh tay đăng ký.
Một dòng tin nhắn khác tiếp tục hiện lên: "Cần gấp máy thở oxy. Hãy giúp tôi".
Tin nhắn quảng cáo nguồn cung cấp oxy hoặc thuốc cho bệnh nhân Covid trên mạng xã hội ở Ấn Độ. Ảnh: Instagram. |
Tuyệt vọng cầu cứu trên mạng xã hội
Khi hệ thống y tế bị quá tải, những yếu tố quyết định sự sống chết của người mắc Covid-19 giờ đây là sự giúp đỡ của cộng đồng, khả năng tự cứu và may mắn.
Một gia đình nói họ kiệt sức sau nhiều ngày phải gồng mình tìm cách cứu sống người thân của họ. “Khi đó, ở Ấn Độ là 6h sáng, tôi gọi điện hỏi xem ông nội đang thiếu gì, oxy hay thuốc tiêm. Rồi chúng tôi lên WhatsApp nhắn tin và gọi cho mọi người quen biết", cô Avani Singh giải thích từ Mỹ.
Ông nội 94 tuổi của cô là một trường hợp bệnh nặng. Từ nhà của họ ở Mỹ, Avani và mẹ của cô, Amrita, lập ra nhóm chat gồm gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp để nhờ giúp đỡ.
Một số người tham gia, sau đó lại rời nhóm. Họ đều cố gắng hết sức để giúp ông của Avani khi ông mới mắc Covid-19.
“Chúng tôi viện tới mọi mối quan hệ. Tôi tìm trên mạng xã hội. Một vài trang tôi theo dõi đăng bài viết thông báo có giường ICU hoặc 'ở đây có oxy'. Chúng tôi đã thử gọi khoảng 200 nơi như vậy", Avani nói.
Cuối cùng, thông qua bạn học, gia đình cô tìm được một bệnh viện còn giường trống nhưng lại không còn đủ oxy y tế. Lúc này, ông của Avani đã bất tỉnh.
"Sau đó, tôi viết bài cầu cứu trên Facebook. Một người bạn của tôi biết một phòng cấp cứu còn bình dưỡng khí. Nhờ có người bạn này mà bố tôi sống sót qua đêm hôm ấy”, bà Amrita kể lại.
Avani Singh và ông của cô, 94 tuổi, người mắc Covid-19 ở Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Avani Singh. |
Đến ngày 24/4, Avani cho biết tình trạng sức khỏe của ông cô có tiến triển. Tuy nhiên, hai mẹ con Avani vẫn phải vật lộn tìm thuốc tiêm Remdesivir cho ông.
Hai mẹ con Avani tiếp tục gọi điện cầu cứu khắp nơi. Trong khi đó, bác của Avani ở thủ đô Delhi đến từng địa điểm một để tìm thuốc. Có ngày, bác của Avani phải lái xe 160 km.
“Ông nội là người thân thiết nhất với tôi. Tôi không biết phải cảm ơn bao nhiêu cho đủ với những người điều hành các trang Instagram đang giúp đỡ mọi người", Avani nói.
Nguy cơ từ tin giả và thuốc kém chất lượng
Tuy nhiên, vấn đề người thân bệnh nhân Covid-19 gặp phải khi cầu cứu trên mạng xã hội là thông tin đôi khi không còn giá trị và không chính xác.
“Chúng tôi nghe nói có một hiệu thuốc nọ còn thuốc tiêm, nhưng vào thời điểm anh họ tôi đến nơi thì không còn. Hiệu thuốc đó mở cửa lúc 8h30 sáng và mọi người đã xếp hàng từ nửa đêm. Chỉ 100 người đầu tiên được tiêm", bà Amrita nói.
“Bây giờ họ đang bán thuốc trên thị trường chợ đen. Giá đúng cho một liều thuốc là 1.200 rupee (16 USD), nhưng họ đang bán với giá 100.000 rupee (1.334 USD). Và cũng không có gì đảm bảo thuốc đó là hàng thật", bà giải thích.
Do chủ yếu nhờ vào các mối quan hệ xã hội của mỗi cá nhân, nên không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng có cơ hội sống như nhau.
Tiền bạc, mạng lưới quan hệ và địa vị xã hội cao hơn có thể mang lại cơ hội sống sót cho họ. Ngoài ra, không phải ai cũng có khả năng truy cập Internet và sử dụng điện thoại di động.
Giữa tình trạng hỗn loạn như vậy, một số người đang cố gắng thu thập thông tin và thiết lập trật tự cung - cầu, nhằm giúp gia đình người bệnh Covid-19 dễ dàng tìm được sự giúp đỡ.
Arpita Chowdhury chia sẻ thông tin đã được xác minh trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp cho người nhà bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BBC. |
Arpita Chowdhury, 20 tuổi, và một nhóm sinh viên tại đại học của cô ở thủ đô Delhi của Ấn Độ đang triển khai dự án tương tự. Họ thu thập và xác minh thông tin, sau đó tập hợp thành một cơ sở dữ liệu để đăng tải trực tuyến.
“Tình hình thay đổi từng giờ từng phút. Cách đây 5 phút, tôi được biết bệnh viện này còn 10 giường nhưng khi tôi gọi thì không còn giường nào”, Arpita nói.
Cùng với các đồng nghiệp, cô gọi đến các số điện thoại được đăng trên mạng để xác minh liệu họ còn dưỡng khí, giường, huyết tương hoặc thuốc hay không. Sau đó, cô đăng thông tin đã được xác minh lên mạng. Nhóm của cô cũng tiếp nhận yêu cầu từ người thân của bệnh nhân Covid nhờ giúp đỡ.
"Đó là điều cơ bản nhất mà chúng tôi có thể làm để giúp đỡ mọi người", cô nói thêm.
Bệnh nhân không đợi được oxy
Aditya Gupta từng nhắn tin trên ứng dụng WhatsApp để tìm nguồn cung oxy cho anh họ 30 tuổi ở bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Nhưng đến ngày 25/4, anh họ của người này qua đời vì Covid-19.
Trong các tin nhắn trước đó, Aditya cho biết anh họ Saurabh Gupta đang trong tình trạng nguy kịch ở Gorakhpur, một thị trấn ở phía bắc bang Uttar Pradesh. Đây là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Ấn Độ.
Saurabh, một kỹ sư 30 tuổi, là niềm tự hào của gia đình anh. Cha anh điều hành một cửa hàng nhỏ, và dành dụm tiền cho con đi học.
“Chúng tôi tìm tới gần như tất cả bệnh viện ở Gorakhpur. Các bệnh viện lớn đã kín giường, còn những nơi khác nói với chúng tôi là 'nếu anh có thể tự thu xếp oxy, chúng tôi mới có thể nhận bệnh nhân'", anh Aditya giải thích.
Thông qua WhatsApp, gia đình anh tìm được một bình oxy, nhưng vẫn thiếu thiết bị hỗ trợ thở. Một nhà cung cấp vật tư y tế đảm bảo với Aditya sẽ gửi cho anh, nhưng không thấy đâu. Và Saurabh không được nhập viện cho tới khi qua đời.
"Chúng tôi mất anh ấy vào sáng hôm qua. Anh ấy trút hơi thở cuối cùng ngay trước mặt cha mẹ mình", Aditya nói hôm 25/4.