Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta yêu động vật, nhưng sẵn sàng ăn thịt chúng

Theo Viện trưởng Viện Văn học, con người nhân danh phát triển mà tàn phá môi trường, bởi vậy phê bình sinh thái ra đời, trở thành bộ môn nghiên cứu văn nghệ.

Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu và trước vấn nạn môi trường do công nghiệp hóa, hiện đại hóa gây nên, phê bình sinh thái là một khuynh hướng nghiên cứu mới của lý luận văn học, nghệ thuật.

Hôm 14/12, Viện Văn học tổ chức hội thảo quốc tế “Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp Viện trưởng Viện Văn học trao đổi về ngành nghiên cứu còn mới mẻ tại Việt Nam.

Phe binh,  Sinh thai,  Van chuong anh 1
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học. 

Văn chương giúp con người thay đổi nhận thức về môi trường

- Viện Văn ý thức thế nào về tầm quan trọng của phê bình sinh thái, để từ đó tổ chức nên hội thảo quốc tế này?

- Tôi nghĩ phê bình sinh thái ở Việt Nam là bộ môn vẫn còn mới mẻ, chắc chắn với nhiều người còn xa lạ. Mới mẻ cũng đúng vì đây là bộ môn ra đời vào cuối thập niên 1980, đầu 1990.

Nhưng những hiệu ứng của phê bình sinh thái đem lại cho các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu càng ngày càng nhiều lên. Nó giúp nhận thức của con người với tự nhiên đúng đắn hơn.

Chính vì thế, để người Việt Nam hiểu hơn về mối quan hệ này, cũng như chúng ta hình dung về môi trường như một sinh thể có tiếng nói của nó, có quyền lợi của nó, tạo nên sự hài hòa giữa môi trường, thì chúng tôi sáng lập nên hội thảo quốc tế này.

- Hội thảo tổ chức với quy mô ra sao?

- Chúng tôi nhận được hơn 100 tham luận, trong đó có 15 tham luận của học giả quốc tế đến từ Anh, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Phillipines...

Các nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước cũng như thế giới có nhiều điểm gặp về mối quan tâm này. Đặc biệt việc chuyển con người làm trung tâm sang sinh thái làm trung tâm là một bước chuyển mang tính triết học. Từ bước chuyển đó, chúng ta tưởng tượng môi trường sinh thái trên tinh thần nhân văn hiện đại.

- Xin ông nói rõ hơn, việc phê bình sinh thái trong văn học tác động như thế nào tới nhận thức về môi trường của con người?

- Tôi muốn nói quan điểm của một học giả nước ngoài, một chuyên gia hàng đầu về phê bình sinh thái, là giáo sư Karen Thornber. Bà nói về sự mơ hồ sinh thái, tức là gì, là chúng ta yêu động vật, nhưng sẵn sàng ăn thịt chúng.

Chúng ta xây dựng một công viên, nhưng để xây dựng công viên ấy phải hy sinh những sinh vật khác để tạo công viên của chúng ta. Như vậy, trong sự phát triển của chúng ta, sự lưỡng lự, tính nước đôi rất rõ nét.

Trong hành xử người Việt, chúng ta thấy rất rõ. Mặc dù con người chủ trương hài hòa với tự nhiên, nhưng không phải lúc nào cũng làm được.

Và bạn thấy, trong bối cảnh lũ lụt, hạn hán, những thiên tai càng ngày càng dồn dập như bây giờ, nếu chúng ta không thay đổi nhận thức về thiên nhiên, và lắng nghe tiếng nói của nó, thì chúng ta tạo hiểm họa cho chính  chúng ta. Và đây không phải là vấn đề của một quốc gia, mà là một vấn đề nhân loại.

- Vậy văn chương có thể góp phần gì trong việc tuyên truyền thay đổi nhận thức?

- Văn chương với sứ mạng của nó, nó sẽ tác động đến nhận thức của con người, nó kêu gọi và hình thành đạo đức môi trường. Văn chương không thể đưa ra hệ thống chính sách, giải pháp, đó là công việc của những bộ, ban ngành.

Mà văn chương lay thức những nhận thức sâu thẳm của chúng ta về thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên. Tôn trọng tự nhiên thực chất là tôn trọng chúng ta. Bảo vệ tự nhiên là bảo vệ chính sự tồn tại của chúng ta. Không một quốc gia, cá nhân nào đi ra khỏi điều đó.

Cho nên chúng tôi nghĩ đó là một hướng nghiên cứu. Chúng tôi đã âm thầm chuẩn bị nó trong ba năm, và hôm nay chính thức tổ chức hội thảo quốc tế này.

- Nói như ông, văn chương có quyền lực mềm trong việc thay đổi nhận thức về môi trường?

- Tôi nghĩ thế.

Phe binh,  Sinh thai,  Van chuong anh 2
Từ trái qua: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư - ba cây bút đặt ra vấn đề con người và tự nhiên trong các tác phẩm.

Dễ nhân danh văn hóa để phá vỡ vẻ đẹp tự nhiên

- Ở Việt Nam, phê bình sinh thái đã xuất hiện từ khi nào?

- Mới xuất hiện độ 10 năm trở lại đây, với một số nhà nghiên cứu dịch các tài liệu nước ngoài và một số nhà phê bình trong nước bắt đầu viết. Viện Văn coi đây là một hướng nghiên cứu mở ra trong xu thế nghiên cứu văn học liên ngành. Đây là một hướng chuyển dịch nghiên cứu văn học từ góc độ nghiên cứu văn hóa mà chúng tôi chủ trương.

- Hiện nay tác phẩm văn chương của Việt Nam viết về sinh thái như thế nào?

- Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã được đặt ra từ lâu. Nhưng chỉ đến thời đại khủng hoảng môi trường này thì ý thức bảo vệ sinh thái này mới được đặt ra riết róng.

Trong văn học Việt Nam, bắt đầu xuất hiện một số nhà văn thời đương đại như Nguyễn Minh Châu, sau đó đến Nguyễn Huy Thiệp, sau nữa là Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn…

Tôi muốn nói đến một nhân vật quan trọng là Nguyễn Minh Châu. Ông có vị trí là người khai mở những nguồn cảm hứng mới, những tư tưởng mới đối với sự phát triển văn học, cũng như nguồn cảm hứng mới về quan hệ giữa con người với tự nhiên. Riêng về lĩnh vực này, coi Nguyễn Minh Châu là người mở đường.

- Vậy còn trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư, vấn đề sinh thái được đặt ra như thế nào?

- Trong mỗi tác phẩm của hai nhà văn này mỗi người có một biểu đạt khác nhau. Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn nhấn mạnh đến sự thanh cao của môi trường tự nhiên. Ông nhấn mạnh việc chúng ta nhân danh văn hóa nhưng dễ phá vỡ vẻ đẹp muôn đời của tự nhiên.

Còn ở Nguyễn Ngọc Tư ở giai đoạn đầu sáng tác, chị viết về quá trình đô thị hóa miền Nam, về sau chị mở ra vấn đề. Theo tôi, việc Nguyễn Ngọc Tư mở rộng ra những suy tư, âu lo về môi trường ở góc độ rộng hơn là một bước phát triển của cây bút này.

- Theo ông đánh giá, văn học đương đại hiện nay đã phản ánh hết thực trạng tàn phá tự nhiên? Rất nhiều câu chuyện tàn phá tự nhiên như ở Sapa, Sơn Trà… có thể thấy trên mặt báo nhưng trong văn chương dường như chưa thấy?

- Phê bình sinh thái văn chương mới được đặt ra, ở bước đầu. Ta thường nghe câu chuyện chúng ta xâm phạm môi trường, nhân danh phát triển, văn minh để tàn phá môi trường.

Nhưng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo, thay đổi nhận thức. Văn chương đang bước những bước đầu tiên thay đổi nhận thức cộng đồng đọc và thay đổi nhận thức xã hội.

- Lực lượng dành cho lĩnh vực phê bình sinh thái của Việt Nam đã đạt chuẩn và đáp ứng được chưa?

- Số lượng nghiên cứu chưa nhiều. Nhưng cùng sự phát triển của phê bình sinh thái, đội ngũ nghiên cứu sinh thái ngày càng nhiều thêm. Vấn đề không chỉ dừng ở chỗ nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.

Mà ở giai đoạn sau, nó là sự gặp gỡ của diễn ngôn sinh thái gặp gỡ với diễn ngôn hậu thực dân, diễn ngôn nữ quyền, diễn ngôn chính sách phát triển xã hội.

Cho nên, đây là một nghiên cứu mang tính liên ngành. Nghiên cứu sinh thái thực chất là tiếp cận văn hóa. Điều đó mời gọi nỗ lực các nhà nghiên cứu trong việc thiết lập một cộng đồng nghiên cứu sinh thái.

- Hội thảo này là bước sơ khai, vậy ông có lời khuyên nào với người đang dấn thân vào phê bình sinh thái?

- Văn học sinh thái mặc dù có triển vọng như thế nhưng nó chỉ là một trong nhiều khuynh hướng nghiên cứu văn học. Những ai thích trải nghiệm cái mới, yêu thích môi trường thì bước vào lĩnh vực này.

Ai muốn bước vào phải hiểu phê bình sinh thái là bộ môn mà hiện nay chưa đạt đươc tính chặt chẽ, thống nhất hoàn toàn. Các nhà khoa học cho rằng chủ đề quan trọng nhất là quan hệ giữa con người và môi trường, rằng môi trường là thực thể có tiếng nói của nó, chứ không phải con người khai thác tự nhiên để phục vụ mình.

Nếu hiểu như thế, chúng ta phải thay đổi quan điểm triết học lấy con người làm trung tâm.



Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm