Nhiệt độ tăng cao nhất trên khắp Bắc Âu, Siberia và Bắc Băng Dương. Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, cao nguyên Tây Tạng, phía đông của Nam Cực và hầu hết Australia cũng có nhiệt độ cao hơn mức trung bình.
Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình tháng 11 của năm 2020 cao hơn gần 0,8 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010 và cao hơn 0,1 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Australia, cháy rừng bùng phát trong 6 tuần qua tại đảo Fraser, vốn là địa điểm du lịch nổi tiếng. Quốc gia này cũng đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục.
Băng tan trên quần đảo Svalbard của Na Uy vào tháng 8. Ảnh: Getty. |
Carlo Buontempo, Giám đốc Bộ phận Biến đổi Khí hậu Copernicus tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung châu Âu, nói rằng "những con số này phần nào phản ánh xu hướng nóng lên toàn cầu trong thời gian dài vừa qua".
Ông cho biết tháng 11 là "tháng đặc biệt nóng" trên toàn thế giới. Nhiệt độ ở Bắc Cực và miền Bắc Siberia vẫn luôn ở mức cao trong khi lượng băng ở biển gần chạm mức thấp nhất.
"Xu hướng này liên quan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát toàn diện Bắc Cực, vì nó đang ấm lên nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới", chuyên gia Buontempo nói thêm, theo CNN.
Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách "nên coi các số liệu này như hồi chuông cảnh báo" và xem xét hết sức nghiêm túc về biện pháp thực hiện hiệu quả nhất các cam kết trong hiệp định Paris về về biến đổi khí hậu năm 2015.
Dữ liệu của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cũng cho thấy năm 2020 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Mức nhiệt hiện nay ngang bằng với năm 2016, năm nóng kỷ lục. Nếu nền nhiệt không giảm xuống trong tháng cuối cùng này của năm, nhiệt độ trung bình năm nay có thể cao hơn năm 2016 và xác lập kỷ lục mới.