Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?

Cuốn sách là tập hợp những tùy bút hay nhất của cây viết Nguyễn Thị Hậu, thứ tình cảm đến nghẹn tim khi nhắc tới hai chữ Sài Gòn thân thương.

Người Sài Gòn sống hào sảng nhưng hiếm ai tự nhận mình là người “Sài Gòn gốc”. Thành phố tập trung đủ mọi hạng người. Có sao đâu, vì Sài Gòn cũng biết tình cảm mọi người dành cho mình. Dẫu có đêm nhớ Hà Nội, lòng yêu Sài Gòn như nhà văn Nguyễn Thị Hậu cũng không sao cả. Người ta cứ đến và yêu thôi, không bằng ngôn từ bóng bẩy hay mĩ miều, chứng minh bằng hành động cụ thể. Đó là ở thành phố này mỗi người đều sống hết mình rồi sẽ tự nhiên trở thành một phần của thành phố. Có tình yêu nào sâu nặng được hơn thế?

Nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu từng sống và làm việc tại khắp các vùng miền nam – bắc của Tổ Quốc. Nhưng riêng với Sài Gòn bà luôn dành cho một thứ tình cảm không diễn tả nên lời. Người Nam bộ yêu dữ lắm cũng chỉ dùng chữ một chữ “thương”. Khi bạn thương một một người đến mức chỉ cần tên người đó thoáng qua cũng làm con tim nghẹn lại vì lỡ nhịp thì đầu cần phải gọi tên người ấy. Đó là cách nhà văn giải thích lý do vì sao trong tất cả tản văn, tùy bút của mình bà thường không đặt tên có chữ Sài Gòn trong đó.

Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau là chốn hội tụ của rất nhiều tản văn viết chủ yếu về Sài Gòn, chuyện trong xã hội và cái tình ở đời. Dù vậy phần lớn nội dung của sách vẫn xoay quanh thành phố này, xuyên suốt qua từng câu chuyện một cách duyên dáng. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, nhà thơ Chế Lan Viên đã có sự đúc kết về quy luật nhân sinh thật tuyệt diệu. Chuyện “ở” và “đi” của con người luôn chứa đựng những chuyển hóa âm thầm mà ngay cả chính bản thân chúng ta cũng không hay biết.

Chung ta se noi gi khi gap lai nhau anh 1
Cuốn sách Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau.

Sau ba trăm năm hình thành và phát triển, Sài Gòn trở thành miền đất hội tụ của nhiều nền văn hóa, làm nên một bản sắc của một mảnh đất cởi mở, phóng khoáng và bao dung. Cái tình nghĩa của nơi ấy được thể hiện mộc mạc chân phương qua vô số những kiếp người. Dẫu có xoay chuyển đổi thay thế nào thì người Sài Gòn vẫn vậy, trọng nghĩa lý, mang theo tinh thần hào sảng Lục Vân Tiên khi xưa. Những xúc cảm ngăn ngắn vậy thôi cũng đủ khiến Sài Gòn trở thành một đô thị đáng sống, không phải dành riêng lẻ cho ai, dành cho tất cả. Ta là Sài Gòn, Sài Gòn là ta.

Để diễn tả cái đẹp của Sài Gòn nhà văn Nguyễn Thị Hậu chọn cách đi sâu và những vấn đề nội tại bên trong, đó là con người nơi đây. Có thể bạn vẫn được nghe rất nhiều thông tin về xã hội bất ổn, một thế giới xô bồ ,tấp nập, ồn ã với kẻ đến người đi nhiều không đến nổi. Lắm kẻ lại nói, Sài Gòn vô tình lắm lạc mất nhau là lạc mất. Thành phố với mười bốn triệu dân không hề dễ sống chút nào.

Sài Gòn của nhà văn lại rất khác, vừa đẹp vừa tình, không nơi nào có. Cũng bởi lẽ người ở tứ xứ hội tụ về nên họ đều xuất phát với bàn tay trắng, chỉ biết lấy tình thương mà làm niềm tin ở nhau. Có khó khăn thì cũng không mảy may suy nghĩ mà chìa bàn tay ra cứu giúp đó là cái đạo làm người. Đơn cử như tùy bút Việc thiện từ tâm, tác giả đã thể hiện vì sao tại nơi đây người ta làm việc nhiều như thế, đó là lẽ tự nhiên, con người gặp nhau và thiện tâm bằng cả tấm lòng.

Khó mà nói được về cuốn sách này của tác giả Nguyễn Thị Hậu chỉ trong vài câu chữ. Sự rắn rỏi, đầy lý tính, nghiêm cần chuẩn xác của một nhà khoa học, tri thức với một chuyên môn vững vàng và một tấm lòng đau đáu trước thời cuộc. Tùy bút cung cấp nhiều thông tin đầy ắp nhưng không bị khô cứng bởi được đan cài bằng dòng cảm xúc chân thật, lối viết mộng mơ nữ tính với tình yêu da diết của người con đã sống ở Sài Gòn lâu năm.

Đọc sách mà cảm thấy tỉnh, thành phố có đẹp, có hiện đại đến mấy vẫn có những bất ổn. Nhà văn lo lắng cho những ngôi nhà biệt thự cổ từ thời Pháp thuộc, những con đường đang mất dần màu xanh bởi sự hiện đại hóa,  những nét thơ mộng vốn có đang bị bóp chết bởi cuộc sống đổi thay. Kiến giải về nhiều vấn nạn nhức nhối của đất nước qua một tâm hồn thuần túy phụ nữ rất đỗi lạ lùng nhưng vô cùng tinh tế

Tâm hồn phụ nữ vốn vẫn nhạy cảm hơn đàn ông, điều này đúng với một nữ nhà văn khi độ nhạy cảm ấy được nhân lên nhiều lần. Trong tâm thế nào người phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Cho dù thế giới có bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về giới tính nhưng ở nơi xa xôi nào đó cái khổ hạnh và thương đau vẫn hằn rõ trên khuôn mặt người bà, người mẹ, người chị hay những người phụ nữ xung quanh chúng ta.

Trong tùy bút Đói nghèo mang khuôn mặt phụ nữ nhà văn Nguyễn Thị Hậu có viết: “Không ít những đàn ông mặc kệ số phận gia đình cho người phụ nữ lo toan, Họ coi việc phụ nữ làm tất cả để nuôi sống gia đình là đương nhin. Trong khi họ không hề có sự cố gắng để thoát khỏi đói nghèo”. Bà không chỉ viết về tình yêu Sài Gòn, bà còn gửi cả nỗi lòng của mình vào đủ thứ sự kiện lớn nhỏ của xã hội. Nơi ấy vẫn còn cái tình, tình yêu, tình người, dung dị nhưng mong manh, đến bất chợt như người ta nghe Nhạc Trịnh.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch từng viết “sống trên đời không cần lâu chỉ cần sâu là đủ” còn với Nguyễn Thị Hậu, bà đã đi nhiều nơi, sống với đủ thứ cảm xúc và tâm trạng nên tùy bút của bà luôn mang nét nhẹ nhàng, trầm bổng. Những trải nghiệm của thời gian đậm nét trên con chữ. Đọc Chúng Ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau mà thêm yêu, thêm một lần muốn sống ở Sài Gòn.

Gia Hạ

Bạn có thể quan tâm