Dù bạn đang ở độ tuổi nào thì câu hỏi "Tôi là ai?" cũng phải mất cả cuộc đời để đi tìm lời giải đáp. Khi biết rõ được những giá trị thực, cốt lõi của mình, chúng ta sẽ không còn cảm thấy sợ hãi trước sự bất định của cuộc sống.
Nhưng làm cách nào để hiểu mình cho đúng, để đào sâu cái “tôi” và chăm sóc tâm hồn… Tất cả những câu hỏi ấy đều được tác giả Dương Thùy trả lời trong cuốn sách Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình.
Một khi nhìn thấu những ưu, nhược điểm của bản thân, bạn sẽ biết nên giữ gìn và loại bỏ đi điều gì. “Không phải số phận mà tôi tin rằng chính những quyết định mới là điều làm nên mỗi con người”.
Cuốn sách Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình của tác giả Dương Thùy. |
Khác với những cuốn tản văn trước đây của mình, Dương Thùy mang tới cho bạn đọc những chuỗi “bài tập” tâm lý, giúp những bạn trẻ đang muốn đối thoại với trái tim và tâm hồn của chính mình tìm ra hướng đi trong cuộc sống.
Trải dài gần 200 trang sách nhưng hội tụ tất cả quan điểm sống và thông điệp về cuộc sống qua những trích dẫn đắt giá của tác giả.
Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình tựa như một tấm gương, đôi lúc bạn đọc sẽ thấy hình ảnh của chính mình đang phản chiếu qua trang sách. Nhưng để nhận ra điều này, chúng ta cần can đảm và thành thật đối diện với bản thân.
Bởi khi đối diện với bản thân chính là đối diện với cả những mặt trái và điều đó chẳng hề dễ dàng. Thông thường, ai cũng nghĩ về những điểm tốt của bản thân hay có chăng chỉ là những điều chưa hay. Nhưng đã bao giờ bạn thực sự đối mặt với hạn chế, thậm chí điều xấu xa trong chính con người mình?
Trải qua tuổi trẻ nông nổi, bồng bột, Dương Thùy đã đúc rút, đưa ra giải pháp giúp bạn đọc, những ai đã và đang ở độ tuổi ấy có thể vượt ra khỏi “vùng an toàn” đi tìm con người thật của chính mình. “Nếu muốn tương lai như hình dung của chính mình thì bản thân phải cố gắng ở hiện tại, để đạt tới tương lai đó”.
Theo tác giả, để hiện thực ý tưởng đó bạn cần loại bỏ ngay suy nghĩ an phận và sự sợ hãi. “Hành động để biến ý tưởng thành sự thật, uớc mơ không gắn liền với hành động thì rất dễ chìm lẫn trong muôn vạn những mơ tưởng”.
Nếu muốn tương lai như hình dung của chính mình thì bản thân phải cố gắng ở hiện tại, để đạt tới tương lai đó. Ảnh minh họa. |
Thông qua nội dung cuốn sách, Dương Thùy muốn nhấn mạnh ý thức và trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân. Nữ tác giả không đổ lỗi, áp đặt những suy nghĩ hay những giấc mơ chưa thực hiện được của mình cho thế hệ trẻ mà giúp họ tin tưởng và sẵn sàng hành động vì ước mơ.
Không dùng những lời hô hào đao to búa lớn, tác giả thuyết phục người đọc qua những câu chuyện gần gũi về những người bạn xung quanh và trải nghiệm của chính mình.
Mỗi câu chuyện mà tác giả đưa ra trong tác phẩm Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình như một lát cắt từ cuộc sống vốn rất sinh động và đa dạng. Từ vị Thủ tướng Bhutan đến nhà phát minh trẻ Boyan Slat với những hành động lớn lao bảo vệ sự sống cho cả hành tinh. Bên cạnh đó, Dương Thùy đặt ra những câu hỏi khiến người đọc phải suy ngẫm.
Có thể nói Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình là cuốn sách gối đầu giường cho các bạn trẻ còn đang loay hoay đi tìm con đường của mình. Cuốn sách sẽ đóng vai trò làm chất xúc tác thúc đẩy bạn hoàn thiện bản thân nhanh hơn.