"Chúng ta đang chứng kiến ngày tận thế của tự nhiên", Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nói tại cuộc họp, đề cập đến các vụ cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ và hiện tượng băng tan ở Greenland.
Đây được coi là năm "chúng ta cứu lấy hành tinh của mình", ông nói thêm. Nhưng thay vào đó, Covid-19 đã thu hút hết nguồn lực cũng như sự chú ý của thế giới và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã bị hoãn lại đến cuối năm 2021.
"Trong 75 năm nữa, nhiều thành viên có thể không còn ngồi tại Liên Hợp Quốc này nếu thế giới vẫn tiếp tục không chịu thay đổi", Liên minh Các quốc đảo Nhỏ và Nhóm Các nước Kém phát triển cảnh báo.
Mục tiêu chính của hiệp định khí hậu Paris năm 2015 là hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, nhưng các nhà khoa học cho biết thế giới đang trên đà ấm lên vượt mức này.
Nghiên cứu mới cho thấy nếu thế giới nóng lên thêm 0,9 độ C, băng ở Tây Nam Cực sẽ đạt đến ngưỡng tan chảy không thể cứu vãn, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 5 m, theo AP.
Tổng thống Tommy E. Remengesau của quốc đảo Palu phát biểu qua cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/9. Ảnh: AP. |
Quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào, nhưng Tổng thống Tommy E. Remengesau cảnh báo rằng hiện tượng nước biển dâng mới chính là yếu tố hủy hoại quốc gia này.
"Chúng ta không nên tự mãn chút nào về việc xả thải khí (carbon) giảm xuống nhất thời trong năm nay", ông nói, đề cập đến việc phong tỏa vì Covid-19 khiến bầu trời ở một số quốc gia trong xanh hơn. Nhưng không khí đã ô nhiễm trở lại khi lệnh phong tỏa bị dỡ bỏ.
Các cường quốc thế giới không thể trốn tránh các cam kết tài chính để chống lại biến đổi khí hậu trong thời kỳ đại dịch, ngay cả khi các nền kinh tế đang gặp khó khăn, ông Remengesau nhấn mạnh.