Sáng 17/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã trao đổi với Zing.vn về tranh luận với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn việc điều giáo viên đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Theo đại biểu Hiền, đối với vụ việc điều giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đi tiếp khách, bà đã đăng ký đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT và để ý từng câu trả lời của Bộ trưởng.
“Tôi không đồng tình với cách trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên đã giơ biển tranh luận. Tôi nghĩ phải có ý kiến làm sao để giải tỏa được bức xúc của người dân. Vì đây không phải là vấn đề của ngành giáo dục nữa mà là hình ảnh, nền tảng của cả xã hội”, nữ đại biểu Phú Yên cho hay.
Bà Hiền cho rằng việc tranh luận không phải là đổ lỗi cho Bộ trưởng GD&ĐT nhưng ở góc độ quản lý Nhà nước là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đánh giá hơi chủ quan về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) trả lời Zing.vn. Ảnh: Tiến Tuấn. |
“Chúng ta đang nói về cải cách giáo dục nhưng lại bỏ qua tính tôn nghiêm của giáo dục. Chúng ta không chú trọng đến bảo vệ quyền lợi, đội ngũ con người nhân lực, thì tôi nghĩ là cũng chưa thấu đáo. Tôi muốn là Bộ trưởng Giáo dục phải có những động thái quyết liệt hơn”, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên nói.
Trước câu hỏi ít có đại biểu cơ quan hành pháp chất vấn chính cơ quan hành pháp, bà có động lực nào để tranh luận như vậy? Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ bà chỉ đặt tâm thế duy nhất là người dân và có trách nhiệm truyền đạt một cách đầy đủ ý chí của người dân.
“Là cơ quan hành pháp thì anh vừa là đối tượng, vừa đối tác đối với Quốc hội. Anh phải có trách nhiệm với người dân. Tôi ở tư thế của người dân để tranh luận với Bộ trưởng Giáo dục”, đại biểu Quốc hội sinh năm 1978 nhấn mạnh.
Ngày 16/11, tranh luận với Bộ trưởng Giáo dục về trả lời việc điều giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách là vui vẻ thôi và phải rút kinh nghiệm, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đồng tình với việc bộ trưởng nhận trách nhiệm.
“Mặc dù nhận trách nhiệm, bộ trưởng nói rằng cũng chỉ là vui vẻ thôi, dưới góc độ giới và đặc biệt là nữ đại biểu, tôi không biết bộ trưởng có đau lòng không. Sau những sự việc như vậy, tôi thực sự đau lòng”, bà Hiền nói.
Đầu tháng 8, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi trong văn bản hành chính. Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết việc huy động giáo viên tiếp khách có từ nhiều năm qua. Năm nay, thị xã có nhiều sự kiện lớn nên huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 14/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở giáo viên phải rút kinh nghiệm, giữ vững hình ảnh nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh.
Chiều cùng ngày, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc bố trí giáo viên làm công việc có thể ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.