Thoạt đầu, nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Mai (Đại học Văn hóa Hà Nội), vị chuyên gia mà tôi liên hệ, đề nghị được ẩn danh.
Trao đổi với phóng viên 20 phút qua điện thoại, nữ chuyên gia văn hóa không cắt nghĩa các lý thuyết, dự báo quy luật... bà chủ yếu tâm sự về những đứa con đang xa nhà của mình, về nỗi lòng một người mẹ có con không thể về nhà đón Tết.
Dành dụm cho Tết
Tôi có 2 con thì hiện giờ một cậu ở TP.HCM. Nó ở cùng vợ và các con, cứ một năm mới ra Hà Nội ăn Tết một lần. Những ngày qua, tôi đã rất thấp thỏm, không biết chúng nó có ra được với mình không.
Dịch bệnh khiến hàng hóa ế ẩm, người dân càng thêm khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cứ hình dung rằng con mà không về được thì rất buồn. Tâm lý của người Việt ai cũng mong Tết là sum họp. Có đi "bán đông bán tây" thì cũng mong muốn ngày Tết trở về. Tôi có cảm giác như người ta cần phải lấy lại năng lượng sau một năm vất vả.
Tất nhiên, bây giờ người ta có thể trao đổi với nhau qua Zalo, Facebook... Dù công nghệ có thể giúp chúng ta rút gần khoảng cách, cảm giác được ngồi sát bên nhau, nắm tay nhau, ôm nhau... đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được.
Tôi nghĩ ai cũng thế, mong muốn lắm, nhất là hiện nay lao động không ở cùng một nơi, kể cả lao động ở nông thôn giờ cũng phân tán.
Quanh năm làm ăn vất vả người ta cũng chỉ mong ngày Tết được về nhà. Cho nên tâm lý người Việt là dành dụm cho Tết. Bố mẹ ở nhà thì dành dụm thức ăn ngon vật lạ để chờ con cháu về, còn con đi làm vất vả cũng dành dụm tiền để về Tết.
Ví dụ vừa rồi có một anh thợ hồ từ Đà Nẵng về quê ở miền Tây, mang theo 30 triệu đồng, lên xe khách thì anh bị mất. Anh ấy khóc như mưa vì đó là tất cả số tiền dành dụm để hưởng một cái Tết, để có chút quà tặng người nọ, biếu người kia.
Về hay ở?
Tôi đọc trên rất nhiều trang mạng viết là Việt kiều mọi năm về nước rất đông, nhưng nay rất nhiều người không về được vì dịch bệnh. Họ cảm thấy rất buồn, vì tâm lý người Á Đông nói chung là sum họp dịp Tết. Có thể cả năm không gặp nhau, dịp Tết là phải đoàn viên.
Đứng trước sự lựa chọn về mặt tình cảm và sự an toàn về mặt sinh mạng, người ta buộc phải lựa chọn. Nếu mình về một nơi nào đó đang có dịch thì cũng lo lắng.
Người dân đón Tết trong trạng thái cảnh giác cao độ với dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh. |
Các địa phương lo lắng cũng phải thôi, biết đâu anh mang dịch về cho địa phương tôi? Mỗi lần mang dịch về là lây lan, là cách ly, là tốn kém, ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt của cộng đồng. Anh không về thì anh buồn đấy, nhưng anh không chết là được, nhưng nhỡ anh về, gây ra dịch bệnh, tử vong... thì sao?
Hiện nay bao nhiêu địa phương đã có dịch rồi, chủng này lây rất nhanh. Việc khai báo y tế của một số người cũng không thật đầy đủ, sợ khai báo đầy đủ thì phải đi cách ly. Ngày thường cách ly không sao chứ Tết mà đi cách ly thì buồn lắm.
Chúng ta phải chấp nhận, dù buồn. Như tôi, tôi hình dung cái Tết này của mình sẽ rất buồn. Nhưng điều quan trọng nhất là trong tình hình dịch, nếu con cái mình không về thì chúng nó an toàn.
Giờ cứ bắt là con ơi phải về với bố mẹ đi, không thì thế nọ, thế kia... tự nhiên sẽ tạo áp lực cho các con, chúng sẽ tìm mọi cách về. Nhưng bất chợt lúc đi đường nó vướng vào một chuyến bay có người bị Covid-19... thì thôi rồi, lúc đó còn lo lắng hơn nhiều.
Những lựa chọn mới
Dần dần, người ta sẽ phải chấp nhận một số hình thức mới. Tôi biết trên Lạc Hồng Viên còn có dịch vụ cúng giỗ online dành cho những người ở nước ngoài. Họ muốn cúng giỗ bố mẹ ở Việt Nam nhưng không về được nên đặt với nghĩa trang làm lễ cúng trước mộ, rồi quay video ấy gửi sang nước ngoài.
Muốn thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ nhưng xa xôi quá không về được thì nhờ nghĩa trang họ xén cỏ, dọn dẹp rồi đặt lễ theo yêu cầu. Cái đó cũng là một cách báo hiếu của con người.
Những dòng tin nhắn của Hoàng Thị Loan (22 tuổi), sinh viên tình nguyện làm việc tại khu cách ly TP Chí Linh, gửi cho mẹ. Tết này Loan không thể về nhà. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tết năm nay con tôi không về, thì đêm 30 tôi bật điện thoại lên rồi chat video qua mạng, vẫn có thể nhìn thấy con cái, chúng nó vẫn nhìn thấy bàn thờ ông bà... không ai muốn như thế, nhưng chúng ta phải chấp nhận.
Trong văn hóa có một thuật ngữ là "sáng tạo truyền thống". Tức là người ta không giữ nguyên truyền thống cũ nữa mà chấp nhận sự biến đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng nó vẫn giữ được cái hồn, cái cốt cách như lòng hiếu kính với tổ tiên, sự quan tâm đến cha mẹ.
Con có thể không về được vì dịch bệnh, con bật chat video lên, con nhìn thấy ông bà, thăm hỏi ông bà... tôi cho rằng chấp nhận được.
Dù xa nhau, nhưng sự tích cực nhìn thấy được là sẽ không bị nguy cơ lây nhiễm. Khi chúng ta giãn cách xã hội, hãy dũng cảm nằm yên. Khi chúng ta đã an toàn về mặt sức khỏe thì đó là lợi ích căn bản. Chẳng có cái gì quan trọng bằng sức khỏe. Việc hôm nay chúng ta không làm được, ngày mai ta sẽ làm, trong Tết chưa làm được thì sau Tết ta làm.
"Chúng ta có mất Tết không?". Nhiều người đã hỏi như vậy khi thấy dịch bệnh bùng lên vào giáp Tết Nguyên đán. Tôi nghĩ rằng con người có thể mất đủ mọi thứ, nhưng có một thứ không bao giờ được mất là hy vọng. Chúng ta hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn, ngày mai dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.