Với tiêu đề “Báo cáo chiến lược 2016 – năm của thử thách”, Maybank Kim Eng đã điểm lại những thành công của Việt Nam trong năm 2015. Đó là mức tăng GDP cao nhất trong 5 năm qua, tỷ lệ lạm phát tiếp tục duy trì mức rất thấp và dòng vốn FDI tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay. Thành công từ việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác cũng tạo ra dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam.
Mặc dù có nhiều ẩn số từ bên ngoài sẽ ảnh hướng đến Việt Nam như quan ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang tạo ra rủi ro đáng kể cho TTCK toàn cầu, FED có thể tăng lãi suất đồng đôla Mỹ thêm 1% trong năm 2016, giá dầu lao dốc…
Trong nước, Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá từ 2% đến 3% trong năm 2016 là khó tránh khỏi và nên xem đây là yếu tố tích cực hỗ trợ cán cân thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, định chế này dự đoán.
Tuy nhiên, Maybank Kim Eng cho rằng, sự ổn định và hội phục của nền kinh tế Việt Nam là một trong những lý do rõ ràng nhất để kỳ vọng vào một kết quả tích cực cho TTCK trong năm 2016. Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế mới nổi khác tại châu Á đều được dự báo giảm tốc độ tăng trưởng GDP, Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng đạt được tốc độ tăng trưởng cao từ 6,4% đến 6,6% trong năm nay.
Năm 2015, TTCK Việt Nam chỉ tăng 6,1%, khá khiêm tốn so với các năm trước nhưng vẫn được đánh giá là một năm “không tệ” nếu so sánh với những gì đã xảy ra tại các quốc gia còn lại trong khu vực.
Nguy cơ sụt giảm tăng trưởng từ nền kinh tế Trung Quốc kết hợp với động thái tăng lãi suất của FED và sự đi xuống liên tục của giá dầu đã khiến thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi hầu hết đều ghi nhận kết quả giảm điểm trong năm 2015.
Kết quả tăng/giảm TTCK các quốc gia trong khu vực năm 2015. |
Định chế tài chính trên cũng không quên đưa ra một loạt các yếu tố hỗ trợ TTCK Việt Nam trong năm 2016 như: Chu kỳ thanh toán được rút ngắn, sự ra đời của chứng khoán phái sinh, chính sách nới room sở hữu nước ngoài, hành loạt các doanh nghiệp mới IPO, quy định về công bố thông tin nghiêm ngặt hơn và các quy định mới về giao dịch trong ngày là những điểm đáng mong chờ của năm 2016.
Một trong những lý do khác khiến đơn vị này “tin trưởng vào triển vọng tích cực” của thị trường trong năm 2016 đến từ các so sánh tương quan giữa TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
PE (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) dự phòng 2016 của TTCK Việt Nam ở mức 12 lần – mức thấp nhất trong khu vực và đi kèm với đó là mức tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) dự kiến cho các doanh nghiệp niêm yết trong 2016 khoảng 12% - mức trung bình trong khu vực.
Ngoài ra, sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng là yếu tố được Maybank Kim Eng đặt kỳ vọng cao.
Vì vậy, Maybank Kim Eng đã khuyến nghị các nhà đầu tư 6 cổ phiếu đáng đầu tư nhất trong năm 2016 tại Việt Nam do được hưởng lợi từ việc gia nhập TPP và các hiệp định thương mại tự do. Những cổ phiếu này thuộc ngành xây dựng, dệt may, logistics, điện, hóa dầu, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng.