Trong phiên giao dịch sáng 1/4, khi VN-Index vượt đỉnh cũ 1.204 điểm theo mốc đóng cửa ngày 9/4/2018, anh Đức Lương (26 tuổi, nhân viên văn phòng) lo ngại thị trường sẽ điều chỉnh nên vội ra hàng.
Tuy nhiên, do vài lần nghẽn lệnh, anh Lương mới chỉ thoát được cổ phiếu BID (BIDV) và CMX (Camimex Group), còn lại VNM (Vinamilk) và TTA (Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành) trong danh mục.
“Thời gian qua, thị trường chứng khoán liên tục áp sát ngưỡng kỷ lục nhưng đều không bứt phá thành công. Lần này, môi giới khuyên tôi giữ tiền mặt, đợi chỉnh thì vào lại”, anh Lương nói.
Thực tế, diễn biến thị trường chứng khoán ngày 2/4 đã diễn ra trái ngược với suy nghĩ của anh Lương và môi giới. Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường. Khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận đạt gần 662 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch hơn 16.300 tỷ đồng, cao hơn khoảng 1.000 tỷ so với phiên hôm qua.
Chốt phiên, VN-Index đạt 1.224 điểm, tăng hơn 8 điểm (0,69%) so với ngày 1/4. Đây là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam sau gần 21 năm ra đời.
Những mã cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index nhiều nhất trong phiên giao dịch 2/4. Ảnh: VnDirect. |
Sự hưng phấn của thị trường ngày 2/4 đã giúp 274 mã tăng, áp đảo so với 142 mã giảm; danh mục VN30 thì có tới 22 cổ phiếu tăng giá. Trong khi đó, các mã bluechip đóng góp nhiều nhất cho đà tăng mạnh của VN-Index trong phiên 2/4 có thể kể đến VNM (Vinamilk), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), HPG (Hòa Phát), VHM (Vinhomes), BID (BIDV) với mức tăng 1,7-3,7%.
Cổ phiếu STB (Sacombank) tiếp tục là điểm nhấn của thị trường. Sau phiên chỉ tăng nhẹ hôm qua, cổ phiếu nhà băng này đã tăng vọt 4,6% trong phiên ngày 2/4, lên mức 22.600 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường với hơn 56 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, LCG (Licogi 16), BHN (Bia Hà Nội) và GVR (Cao su Việt Nam) là những mã kìm hãm đà tăng của thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom hàng với giá trị mua ròng đạt 724 tỷ đồng. PMG là cổ phiếu được gom nhiều nhất với gần 410 tỷ đồng, tiếp đến là những mã vốn hóa lớn như HPG (Hòa Phát), STB (Sacombank), MSN (Masan); trong khi bán ròng CTG (Vietinbank) 60 tỷ đồng, VTP (Vạn Thịnh Phát) 11 tỷ, VNM (Vinamilk) 10 tỷ.
Diễn biến thị trường ngày 2/4 giúp anh Đức Lương tỏ ra lạc quan trước phiên giao dịch vào tuần tới. Anh khẳng định sẽ chưa mua thêm vào thời điểm này, tuy nhiên vẫn giữ những mã đang có trong danh mục.
Trong khi đó, nhận định về thị trường sau khi vượt đỉnh 1.200 điểm, chứng khoán Bảo Việt cho rằng kháng cự tiếp theo sẽ nằm tại vùng 1.235-1.250 điểm. Tuy vậy, cũng cần lưu ý đến khả năng xuất hiện phiên điều chỉnh để kiểm định lại các ngưỡng điểm vừa bị vượt qua, trước khi hướng đến thử thách các vùng điểm cao mới.