Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán Việt khép lại năm 2016 đầy biến cố

Thị trường năm 2016 đã khép lại, các chỉ số chứng khoán chốt phiên cuối cùng của năm trong sắc xanh nhưng với giới đầu tư, năm 2016 được xem là năm đầy biến cố.

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, tất cả chỉ số chứng khoán đều tăng điểm nhẹ. VN Index chốt ở mức 664,87 điểm, HNX Index đạt 79,95 điểm, UPCoM cũng đạt 53,65 điểm và VNXALL đạt 945,5 điểm. Những chỉ số trên phần nào làm giới đầu tư yên tâm khi thị trường khép lại một năm với nhiều bất ngờ. 

Vốn hóa 70 tỷ USD

Ngày 28/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống ngành chứng khoán và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Nhìn lại chặng đường 20 năm, chính những người đặt nền móng đầu tiên và gắn bó với thăng trầm của thị trường cũng không khỏi ngạc nhiên về thành quả đạt được.

Sau 20 năm, Việt Nam đã xây dựng được một thị trường chứng khoán vận hành suôn sẻ với trên 1.000 doanh nghiệp đại chúng đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung, quy mô vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên 70 tỷ USD, thu hút 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chung khoan Viet khep lai nam 2016 anh 1
Giá 4 mã cổ phiếu trung tâm chốt phiên giao dịch cuối cùng ngày 30/12. Đồ họa: Quang Thắng.

Trong suốt hai thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã huy động trên 2 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển. Khoảng 4.000 doanh nghiệp đã thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần ra công chúng thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam,.

Những cú sốc

Năm 2016 chứng kiến những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài. Đó là: Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngắt giao dịch ngày 1/4, Anh bỏ phiếu thông qua việc rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11...

Hầu hết các sự kiện này đều tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam, dẫn đến hoạt động bán tháo, dù chỉ là những biến động từ bên ngoài. Đơn cử phiên giao dịch ngày 24/6, VNIndex có lúc đã sụt giảm 5,47%. Hay phiên giao dịch ngày 9/11, VNIndex có lúc giảm sâu hơn 3%.

Tuy nhiên, do nền tảng của thị trường vẫn tốt nên các chỉ số đã phục hồi ngay trong phiên chiều.

UPCoM lột xác

Ngày 1/11, Thông tư 115/2016/TT-BTC chính thức có hiệu lực. Theo đó, chỉ sau khoảng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Như vậy, con đường từ hậu IPO đến sàn chứng khoán đã được rút ngắn rất nhiều so với mức 90 ngày như trước đây tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.

Cùng với việc cải tiến về thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian lên sàn chứng khoán, các chế tài cưỡng chế đối với việc chây ì lên sàn hậu IPO đã được sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn.

Một trong những nội dung được chú ý nhất là việc sửa đổi khung phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Các mức phạt tiền, tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm, trong đó cao nhất là phạt tiền 400 triệu đồng đối với hành vi "chậm lên sàn" trên 12 tháng.

Chung khoan Viet khep lai nam 2016 anh 2
Số lượng cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM vượt trội hơn nhiều so với HNX và HOSE. Đồ họa: Quang Thắng.

Tính đến nay, sau 7 năm hoạt động, UPCoM có 413 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, vượt cả HOSE và HNX. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo giá trị vốn hóa của thị trường UPCoM có thể lên gần 13 tỷ USD, gấp đôi so với thị trường niêm yết của HNX.

Ra mắt chỉ số chứng khoán chung

Ngày 24/10, chỉ số VNX-Allshare chính thức vận hành và là chỉ số cơ sở đầu tiên kết nối 2 sàn HOSE và HNX. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trên con đường hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Việc ra đời VNX-Allshare được giới đầu tư đánh giá cao. Bởi từ trước đến nay, hai sở giao dịch tại Việt Nam vận hành những bộ chỉ số độc lập. Các chỉ số hiện hành của mỗi sở mới đo lường sự biến động tại mỗi sở, chưa có chỉ số nào đo lường sự biến động chung trên toàn thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, sau diễn biến ra mắt chỉ số chung, việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán vẫn chờ quyết định chính thức của Chính phủ. Việc hợp nhất thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ giúp thị trường được tổ chức thống nhất, nâng quy mô vốn hóa toàn thị trường, và là một trong những yếu tố thuận lợi trên đường nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên lên mới nổi.

IPO lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 12/12, phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần Nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu tại Vinamilk (VNM) đã diễn ra tại HOSE. Hơn 78,3 triệu cổ phần VNM (tương đương 60% số lượng cổ phần chào bán), đã được bán cho 2 nhà đầu tư nước ngoài, gồm: F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD.

Với giá bán 144.000 đồng/cổ phần, SCIC thu về 11.286,5 tỷ đồng sau khi bán 5,4% cổ phần tại Vinamilk. Kối lượng bán không như kỳ vọng, nhưng với mức giá giao dịch đạt 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7,7% giá đóng cửa ngày chào bán, thương vụ thoái vốn đợt 1 của SCIC tại Vinamilk với giá trị thu về khoảng 500 triệu USD được xem là tiêu biểu của năm 2016, với giá trị giao dịch lớn nhất Đông Nam Á năm nay.

Việc thành công trong bán vốn tại Vinamilk lần này chính thức "mở hàng" cho một loạt các hoạt động thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC đang nắm giữ. Điều này được cho ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong năm 2017.

ROS và tỷ phú đô la thứ 2

Cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros được xem là mã chứng gây chú ý trong năm 2016, gây tò mò với cả giới truyền thông tài chính quốc tế. Chỉ cần gõ cụm từ "cổ phiếu ROS", Google lập tức cho ra tới 290.000 kết quả chỉ trong 0,34 giây, với hàng loạt thông tin, bình luận và cả nghi vấn vấn khó hiểu ở cổ phiếu này.

Chung khoan Viet khep lai nam 2016 anh 3
Biến động của cổ phiếu ROS từ khi niêm yết chính thức trên sàn HOSE vào ngày 1/9 đến nay. Đồ họa: Quang Thắng.

ROS gây ngờ vực bởi đây là công ty thành lập từ năm 2011 với vốn điều lệ khiêm tốn là 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ trong 5 năm, vốn điều lệ đã lên 4.300 tỷ đồng, tăng tới hơn 2.860 lần so với số vốn ban đầu.

Thêm một điều bất thường nữa của Faros chính là việc cổ phiếu ROS có mức tăng nhanh bất thường, từ mức 12.600 đồng mỗi cổ phiếu ở ngày giao dịch đầu tiên niêm yết trên sàn (1/9) lên 126.000 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên 25/11.

Như vậy, ROS đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn, đưa cổ phiếu này bỗng chốc leo vọt vào Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, ROS góp phần tạo nên tỷ phú đôla thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Theo thống kê, tài sản của ông Quyết đã tăng hơn 30.000 tỷ đồng nhờ ROS. Hiện tổng tài sản của ông Quyết là 3.348 tỷ đồng.

Cổ phiếu ROS còn giúp ông Quyết chiếm vị trí số một của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC).

Cổ phiếu ma MTM

Ngày 19/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM).

Trước đó, ngày 20/6, HNX ra quyết định buộc 31 triệu cổ phiếu MTM phải tạm ngừng giao dịch tại UPCoM, với lý do để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Tại thời điểm bị tạm ngưng, giá MTM chỉ còn 2.600 đồng mỗi cổ phiếu, giảm 80% giá trị so với lúc mới lên sàn.

Với sự việc MTM, thị trường lần đầu tiên chứng kiến một dạng rủi ro mới xuất hiện, đó là khả năng lừa đảo có chủ đích khi đưa một doanh nghiệp không còn hoạt động, tài sản không có thật lên sàn chứng khoán, lợi dụng những quy định thông thoáng, nhằm trục lợi. Rủi ro này đã đặt ra vấn đề giám sát tốt hơn đối với sàn UPCoM, nhất là khi sự tăng trưởng của thị trường này đang rất nhanh.

Nới room ngoại

Nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp đại chúng của Việt Nam là chính sách được chờ đợi nhiều nhất, kỳ vọng nhiều nhất trong năm 2016.

Tuy nhiên, hơn một năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định những điểm mới về tư duy nới room, số doanh nghiệp thực thi việc này còn quá ít.

Điểm mấu chốt nhất trong triển khai Nghị định nới room lại chính nằm ở Luật Đầu tư, khi quy định các doanh nghiệp có sở hữu trên 51% vốn ngoại sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài.

Gỡ nút thắt nới room trên thị trường như thế nào là dấu hỏi của năm 2017, khi Luật Đầu tư mới được ban hành.

Bảng xếp hạng người giàu Việt sẽ có nhiều xáo trộn?

Tài sản tăng thêm 1.200 tỷ đồng, ông Bùi Thành Nhơn, ông chủ Novaland trở thành người giàu thứ tư trên sàn chứng khoán. Bảng xếp hạng người giàu hứa hẹn có nhiều thú vị.

 



Thảo Nguyên

Bạn có thể quan tâm