Theo Reuters, chỉ số chứng khoán CSI300 sụt 3,5% trong khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải hạ 3%. Điều đáng ngạc nhiên là trong buổi sáng, Tổng cục Thống kê Trung Quốc thông báo GDP nước này tăng 7% trong quý II/2015, vượt trên dự báo 6,9% trước đó.
Nhà phân tích Steven Leung của Hãng UOB Kay Hian (Hong Kong) nhận định các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do số liệu GDP “không đủ gây ấn tượng”.
Một số chuyên gia kinh tế nghi ngờ tính chính xác của con số 7% và cho rằng chính quyền Bắc Kinh công bố con số này để trấn an thị trường.
Báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Zeng Xianzhao thuộc Hãng Nouding Asset Management cho rằng các nhà đầu tư cũng lo ngại việc GDP vượt kỳ vọng đồng nghĩa với việc chính quyền Trung Quốc sẽ không thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư theo dõi giá chứng khoán ở một văn phòng môi giới tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Giới phân tích đánh giá việc thị trường chứng khoán Trung Quốc lại sụt giảm cho thấy các nhà đầu tư không tin tưởng rằng những biện pháp can thiệp mạnh tay của Bắc Kinh những ngày qua sẽ có tác dụng lâu dài và ổn định lại thị trường một cách bền vững.
Hiện vẫn còn 696 công ty niêm yết ở Trung Quốc ngừng giao dịch cổ phiếu tại sàn giao dịch Thượng Hải và Thẩm Quyến. Một dấu hiệu nữa của sự suy thoái niềm tin là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn ra khỏi chứng khoán Thượng Hải trong bảy ngày liên tiếp thông qua kênh giao dịch ở Hong Kong.
Nhìn chung, đây là một năm khó khăn đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tăng trưởng thương mại, đầu tư và nhu cầu nội địa chậm chạp, thị trường địa ốc hụt hơi và sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán từ giữa tháng 6.
Chính quyền Trung Quốc dự báo GDP nước này sẽ đạt 7% trong cả năm 2015, thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Trên thưc tế, đây vẫn là con số rất lớn nếu so sánh với GDP các nền kinh tế phát triển. Nhưng với một đất nước có dân số 1,35 tỉ người, sự sụt giảm GDP dù là rất nhỏ cũng đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người lao động mất công ăn việc làm.