Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán Trung Quốc đầu năm: Đầu không xuôi, đuôi có lọt?

Thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu năm mới với hai lần ngưng hoạt động, báo hiệu một năm của nền kinh tế lớn thế giới đối mặt với nhiều khó khăn.

Chỉ vài ngày đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tạm ngừng giao dịch 2 lần. Cả hai lần đều tạo ra những ảnh hưởng nhất định.

Hai lần "sập sàn"

Ngày 4/1, ngay trong phiên giao dịch đầu năm, chỉ số CSI 300 đã giảm 5% và sau đó tiếp tục lao dốc xuống 7%, kích hoạt cơ chế ngắt tự động, làm thị trường tự động ngưng giao dịch cho cả ngày 4/1.

Phiên ngày 4/1 đánh dấu sự khởi đầu năm mới tồi tệ chưa từng có đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, làm bốc hơi 590 tỷ USD giá trị vốn hóa khỏi thị trường. Phản ứng trước diễn biến trên, ngày 5/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 130 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 19,9 tỷ USD thông qua các quỹ đầu tư nhà nước nhằm xoa dịu thị trường. 

Ba ngày sau khi chứng khoán “sập sàn” lần 1, sáng 7/1, CSI 300 tiếp tục giảm điểm xuống 5% rồi 7%, làm thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục ngưng giao dịch tự động lần hai, đánh dấu giao dịch ngắn nhất trong 25 năm qua. Phản ứng trước hai sự cố trên, ngày 8/1, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc CSRC đã quyết định ngừng áp dụng cơ chế tự ngắt để giữ ổn định thị trường.

Mặc dù được coi là thị trường chứng khoán mới nổi, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai toàn cầu tính theo giá trị vốn hoá (khoảng 10.000 tỷ USD, so với 25.000 tỷ USD của thị trường chứng khoán Mỹ). Do đó, biến động trên thị trường Trung Quốc đã nhanh chóng lan ra toàn cầu.

Kết thúc ngày 4/1, chỉ số Dow Jones giảm 1,6%, phiên giao dịch đầu năm mới tệ nhất từ 2008; S&P 500 giảm 1,5% tại Mỹ. Tại châu Âu, Stoxx Europe 600 xuống 2,5%;. DAX (Đức) mất 4,3%, dù đây là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất thế giới năm 2015.

Chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong những ngày đầu năm.

Ngoài tác động lên thị trường chứng khoán các nước, các biến động ở Trung Quốc còn tác động mạnh lên giá dầu khi mối lo ngại rằng sức khỏe nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục suy yếu, ảnh hưởng mạnh đến nguồn cầu năng lượng.

Sau khi chạm mức thấp nhất trong 11 năm vào ngày 6/1, cả dầu Brent và dầu thô Mỹ đã chao đảo vào ngày 7/1. Giá dầu Brent tại thị trường Luân Đôn giảm 4,15% xuống còn 32,89 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ tại New York giảm 3,84% xuống còn 32,66 USD/thùng. Cả hai đều ở mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Vì sao chứng khoán Trung Quốc sập sàn ngay đầu năm?

Ngoài các nguyên nhân cơ bản là kỳ vọng của nhà đầu tư về kinh tế Trung Quốc, các diễn biến trên của thị trường tài chính – tiền tệ Trung Quốc còn chịu nhiều yếu tố khác tác động, trong đó có các nhân tố về kỹ thuật (cơ chế tự ngắt), kinh tế (kỳ vọng của thị trường về cung – cầu, giá chứng khoán và kỳ vọng về giá trị đồng nhân dân tệ) và sâu xa là niềm tin của thị trường đối với điều hành của Chính phủ Trung Quốc.

Cơ chế tự ngắt

Cơ chế tự ngắt là cơ chế do Uỷ ban điều tiết chứng khoán đề xuất từ tháng 9/2015, được thông qua vào tháng 12/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo cơ chế này, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ bị ngừng trong vòng 15 phút khi chỉ số CSI 300 - chỉ số phản ánh hoạt động của hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, tăng hoặc giảm khoảng 5% trước 14h45. Nếu chỉ số này giảm hơn 7% sau khi hoạt động giao dịch được nối lại, thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa luôn trong ngày.

Cơ chế tự ngắt này được thiết kế để bảo vệ thị trường khỏi các cú sốc như tình trạng khủng hoảng chứng khoán vào tháng 7/2015. Tuy nhiên, mức trần để kích hoạt cơ chế này được cho là quá thấp, so với mức 7% và 20% của Chỉ số S&P 500 cho thị trường Mỹ, càng tạo tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư.

Theo ông Hao Hong, Giám đốc Bank of Communications, thiết bị ngắt mạch thực sự đã tạo ra một vòng xoáy giảm điểm khi nhà đầu tư nào cũng muốn thoát hàng trước người khác và khiến việc bán tháo trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt khi đa số nhà đầu tư chứng khoán của Trung Quốc là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu “lướt sóng” và dễ bị tác động.

Nhà đầu tư hoảng loạn khi chứng khoán lao dốc và thị trường phải đóng cửa tạm thời. 

Kỳ vọng của thị trường về cung - cầu và giá chứng khoán

Đầu tháng 7, để ngăn chặn tình trạng bán tháo cổ phiếu làm vỡ bong bóng chứng khoán, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã phát lệnh cấm cổ đông lớn (chiếm trên 5% cổ phần) trong vòng 6 tháng. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 8/7/2015 và sẽ hết hạn vào ngày 8/1/2016. Lệnh này nếu được dỡ bỏ như kế hoạch sẽ có thể đổ một nguồn cung lớn vào thị trường và làm giảm giá cổ phiếu.

Do đó để tránh thiệt hại, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành bán cổ phần trước ngày 8/1. Ngoài ra, vào tháng 8/2015,để kích cầu chứng khoán sau bong bóng tháng 7, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các quỹ quốc doanh chi 236 tỷ USD để mua cổ phiếu trong vòng 3 tháng (tháng 9-12/2015).

Thời hạn vừa kết thúc gói kích cầu (giảm cầu) rơi vào đúng thời điểm Chính phủ Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán (tăng cung) và cơ chế tự ngắt (có tính chất phòng thủ và hạn chế thị trường) mới được áp dụng làm bùng nổ nhu cầu thoái vốn và tháo chạy khỏi thị trường.

Kỳ vọng về kinh tế Trung Quốc

Theo tờ Wall Street Journal, các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã xả hàng trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 khi xuất hiện thêm những bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục giảm tốc.

Theo báo cáo kinh tế đầu tiên được Trung Quốc công bố trong năm 2016, chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp (PMI) trong tháng 12/2015 tiếp tục dưới mức 50 (gần 49,7 điểm), là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động trong khu vực công nghiệp tiếp tục bị thu hẹp lại và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 tới nay.

Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc ngày 18/12 đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2016-2020 là trên 6,5%, chứng tỏ kinh tế Trung Quốc tiếp tục trên đà giảm tăng trưởng, kết thúc thời kỳ tăng trưởng nóng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Kỳ vọng về giá trị đồng nhân dân tệ

Ngoài sức khỏe kinh tế Trung Quốc, một mối lo khác là đồng tiền đang ngày càng mất giá của Trung Quốc.

Bắt đầu từ tháng 8, nhân dân tệ giảm giá liên tục. Ngày 4/1, đồng nhân dân tệ đã lập mức đáy mới của gần 5 năm. Kỳ vọng đồng nhân dân tệ mất giá sâu hơn, trong khi Ngân hàng Trung ương sẵn sàng để nhân dân tệ giảm giá theo thị trường, đặc biệt là sau khi nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ IMF làm hạn chế khả năng can thiệp của Bắc Kinh, là một nhân tố khiến người Trung Quốc tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài, và khiến đà giảm giá của đồng tiền này càng bị đẩy nhanh.

Sáng ngày 7/1, 15 phút trước khi thị trường chứng khoán mở cửa, NHTW Trung Quốc thông báo hạ tỷ giá nhân dân tệ xuống mức 1 USD đổi 6,5646 nhân dân tệ, giảm 0,51% so với tỷ giá tham chiếu 6,5314 của ngày 6/1, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2016. Việc PpoC giảm giá Nhân dân tệ đã vượt quá kỳ vọng của nhà đầu tư, làm thị trường hoảng loạn hơn và dòng vốn tháo chạy mạnh hơn.

Chứng khoán Trung Quốc những ngày đầu năm: Đầu không xuôi, đuổi có lọt?

Niềm tin của thị trường

Các chính sách và phản ứng của Trung Quốc cho thấy Chính phủ khá bị động và sẵn sàng can thiệp mạnh vào thị trường, làm giảm đáng kể niềm tin của nhà đầu tư. Các lệnh cấm hoặc hạn chế bán cổ phiếu và đặc biệt là cơ chế ngắt tự động quá “nhạy” (kích hoạt ở mức giảm thấp là 5% và 7% so với mức 7% và 20% của thị trường chứng khoán Mỹ.

Nếu cơ chế này được kích hoạt cho năm 2015 thì phải có hơn 20 phiên giao dịch đã phải ngừng tự động). Điều đó cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không đủ tự tin để thị trường tự điều tiết và sẵn sàng can thiệp mạnh tay như những gì đã diễn ra đối với thị trường tài chính – tiền tệ Trung Quốc năm 2015. Điều này làm nhà đầu tư dễ hoang mang và dẫn đến hiệu ứng đô-mi-nô bán tháo cổ phiếu khi có điều chỉnh chính sách, như thực hiện cơ chế mới nhiều nghi ngại.

Triển vọng năm 2016?

Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm là điều có thể tiên liệu được khi một thời gian dài Chính phủ nước này thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng quá mức để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng và tạo ra bong bóng chứng khoán.

Đồng thời với biến động chứng khoán vào tháng 7/2015, biến động chứng khoán lần này chứng tỏ bong bóng chứng khoán vẫn tiếp tục sẽ là mối e ngại cho kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới. Điều đó tiếp tục cho thấy tiến trình đi sâu cải cách của Trung Quốc không suôn sẻ, tiềm ẩn rủi ro; triển vọng kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, tác động không thuận đến tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

Phan Lộc Kim Phúc - Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao

Bạn có thể quan tâm