Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi 446 tỷ USD vốn hóa trong tháng này trước những lo ngại về tình trạng căng thẳng địa chính trị.
Tâm lý của các nhà đầu tư trở nên tồi tệ hơn thời gian gần đây sau khi một báo cáo tiết lộ giới chức Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch kiềm chế tham vọng công nghệ của các công ty Trung Quốc. Các nhà đầu tư cũng đặt dấu hỏi về sức hấp dẫn của các cổ phiếu Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ chuyển xấu.
Diễn biến thất thường của thị trường trong tháng 4 đang thử thách sự lạc quan của một số nhà đầu tư tin rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại sau khi mở cửa. Mọi con mắt đang đổ dồn vào giới chức nước này trước cuộc họp thảo luận về các ưu tiên kinh tế.
Giới kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chuyển trọng tâm chính sách sang thúc đẩy niềm tin kinh doanh và việc làm mà không cần thêm các biện pháp kích thích.
Nhóm cổ phiếu niêm yết tại Mỹ quay trở lại giá trị ghi nhận vào tháng 12/2022. Ảnh: Bloomberg. |
Nhóm cổ phiếu chứng khoán niêm yết tại Mỹ cũng thiệt hại hơn 100 tỷ USD vốn hóa trong tháng 4. Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của các gã khổng lồ như Alibaba Group cho đến JD.com đều giảm trong phiên 25/4 và kéo chỉ số Nasdaq Golden Dragon China giảm phiên thứ 6 liên tiếp.
Đây cũng là chuỗi mất điểm dài nhất của chỉ số này trong hơn một năm qua. Sau khi điều chỉnh 10% kể từ cuối tháng 3, chỉ số này đang hướng tới tháng có hiệu suất tệ nhất kể từ tháng 10/2022.
Khi sự hưng phấn ban đầu về việc mở cửa trở lại sau đại dịch phai nhạt, các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào cổ phiếu Trung Quốc vào thời điểm nước này xung đột với Mỹ trên các vấn đề từ Đài Loan, TikTok cho đến chip bán dẫn.
Một nguồn tin nội bộ cho biết Tổng thống Joe Biden dự định ban hành một sắc lệnh hành pháp trong tuần tới nhằm hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của kinh tế châu Á.
Theo các chiến lược gia từ Morgan Stanley do Gilbert Wong đứng đầu, các nhà quản lý quỹ lâu năm tại Mỹ đang tích cực bán chứng chỉ lưu ký của công ty Trung Quốc trong tháng này. Khoảng cách giữa cổ phần nắm giữ và các tiêu chuẩn mà quỹ đặt ra ngày càng bị nới rộng.
Một số nhà đầu tư thậm chí từ bỏ lập trường tích cực đối với chứng khoán Trung Quốc ngay cả khi sự phục hồi tiêu dùng giúp hoạt động kinh tế nước này lấy lại tăng trưởng nhanh hơn.
Không chỉ các cổ phiếu niêm yết ở New York bị lỗ nặng. Chỉ số Hang Seng China Enterprises, một thước đo theo dõi chứng khoán Trung Quốc tại Hong Kong, được xếp hạng là chỉ số hoạt động kém thứ ba trong số 92 chỉ số chứng khoán được Bloomberg theo dõi trong quý I.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...