Ngay từ những phút đầu mở cửa phiên 24/2, lực cầu tích cực giúp VN-Index vượt mốc 1.185 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền của nhà đầu tư sau đó lại trở về trạng thái thận trọng như những phiên trước khiến đây cũng là mốc cao nhất của thị trường trong ngày.
Thị trường giao dịch giằng co trong phần còn lại của buổi sáng và VN-Index đóng cửa ngay sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, thị trường bất ngờ lao dốc khi bước sang phiên chiều. VN-Index rơi thẳng 24 điểm xuống 1.154 điểm sau 30 phút. Đây cũng là thời điểm khối lượng khớp lệnh tăng đột biến.
Lực cầu nhanh chóng giúp chỉ số lấy lại mốc 1.160 điểm nhưng hiện tượng nghẽn lệnh lại xuất hiện từ 14h khiến thị trường không kịp hồi phục và VN-Index chủ yếu đi ngang trong 60 phút giao dịch cuối ngày.
Chốt phiên 24/2, VN-Index dừng ở 1.162 điểm, mất 16 điểm (-1,3%) so với hôm qua. Sắc đỏ áp đảo hoàn toàn trên thị trường với 357 mã giảm giá và chỉ 93 mã tăng. Ngoại trừ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, các nhóm ngành còn lại đều giảm điểm, đặc biệt là bất động sản và tài chính.
VN-Index rớt mạnh trong phiên chiều 24/2. Ảnh: VNDS. |
Những cổ phiếu điều chỉnh mạnh, tạo áp lực tiêu cực nhất lên thị trường chung hôm nay lần lượt là VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank), VIC (Vingroup), GVR (Cao su Việt Nam), BID (BIDV) với mức giảm 2-4%.
Thanh khoản thị trường phiên 24/2 không chênh lệch nhiều so với phiên hôm qua khi giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 14.100 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản vẫn gồm những mã quen thuộc trong các phiên gần đây như HPG (Hòa Phát), STB (Sacombank), MBB (MBBank) với khối lượng từ 20 đến 27 triệu đơn vị.
Khối ngoại hôm nay cũng mang đến tín hiệu tiêu cực cho thị trường khi duy trì đà bán ròng với giá trị tương đương 2 phiên trước hơn 670 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất gồm VNM (Vinamilk), VHM, SSI, VRE (Vincom Retail). Ở chiều ngược lại, nhóm này cũng tập trung mua ròng HPG, MBB trong ngày thị trường điều chỉnh mạnh.
Theo nhận định của Yuanta, chứng khoán Việt Nam mở cửa đầu phiên chiều giảm mạnh theo đà giảm của thị trường chứng khoán châu Á mà dẫn đầu là chỉ số Hang Sheng của Hong Kong sau quyết định tăng thuế giao dịch chứng khoán đầu tiên kể từ 1993.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định nhịp điều chỉnh này chưa ảnh hưởng lên xu hướng tăng ngắn hạn của các chỉ số chính tại thị trường Việt Nam.