Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/4, thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ khi giá dầu lao dốc kỷ lục xuống dưới 0 USD/thùng.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 592 điểm, tương đương 2,4%. Đây là mức giảm một phiên mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 1/4. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq cũng chốt phiên với mức giảm lần lượt là 1,8% và 1%.
Ngày 20/4, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất lịch sử kể từ khi Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) bắt đầu giao dịch hợp đồng tương lai dầu mỏ vào năm 1983.
Dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn New York phiên ngày 20/4 lần đầu tiên giao dịch ở mức âm, có lúc lao dốc về -37,63 USD một thùng. Hiện giá dầu WTI giao tháng 5 đang dao động ở mức 1,17 USD/thùng.
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất lịch sử trong phiên giao dịch ngày 20/4. Ảnh: Getty Images. |
Nguyên nhân là các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu của thị trường sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi các nền kinh tế phải đóng cửa để chống dịch.
Cú giảm ngày 20/4 đến ngay sau khi giá dầu sụt xuống mức thấp nhất 18 năm vào tuần trước, khi thị trường nhận thấy mức giảm sản lượng kỷ lục được thỏa thuận giữa OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác không đủ để bù đắp cho nhu cầu mất đi do đại dịch.
"Không mất nhiều thời gian để thị trường nhận ra rằng thỏa thuận của OPEC+ sẽ không đủ để cân bằng thị trường dầu”, Stephen Innes, nhà chiến lược thị trường toàn cầu tại AxiCorp, viết trong một báo cáo nghiên cứu.
Tuy nhiên, không phải tất cả hợp đồng dầu đều rơi xuống mức âm. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 giảm 10% xuống còn 22,54 USD, trong khi hợp đồng tháng 7 sụt hơn 5% còn 28 USD. Giá dầu Brent giao tháng 6 trên sàn London cũng sụt hơn 6%, xuống còn 26,35 USD/thùng.
Trái ngược với diễn biến của chứng khoán Mỹ, chỉ số FTSE 100 của chứng khoán London và DAX của Đức mở cửa phiên giao dịch với mức tăng nhẹ. Còn chỉ số CAC 40 của Pháp giảm nhẹ.
Tại châu Á, mở cửa phiên giao dịch 21/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 1,06%, Topix của Hàn Quốc mất 0,82%.