Sau giai đoạn hồi phục tốt thì chứng khoán trong nước đã bước vào nhịp điều chỉnh. VN-Index có 4/5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ, đặc biệt là thanh khoản bán chủ động trong phiên cuối tuần khiến chỉ số giảm hơn 1%.
Tính chung tuần 10-14/4, chỉ số đại diện sàn HoSE giảm 16,21 điểm (-1,57%) về mức 1.052,89 điểm với thanh khoản suy giảm. Chỉ số đại diện sàn niêm yết HNX cũng giảm 4,35 điểm (-2,06%) về 207,25 điểm.
Thanh khoản trên các sàn đều suy giảm đáng kể so với tuần trước. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE giảm 10% còn hơn 682 triệu cổ phiếu/phiên. Tương tự, thanh khoản bình quân trên sàn HNX cũng giảm 9% xuống mức 109 triệu cổ phiếu/phiên.
Độ rộng thị trường trong tuần nghiêng về tiêu cực với áp lực bán ngắn hạn tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán sau giai đoạn tăng tốt nhiều tuần trước đó.
Xét theo mức độ đóng góp, VCB, SAB, BID, GAS và VIC là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VCB đã lấy đi hơn 1,8 điểm của chỉ số này. Trong khi NVL, MWG và DGC là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.
Trong tuần giao dịch 10-14/4, nhà đầu tư cá nhân và bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán tiếp tục là bên mua ròng, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại bán ròng mạnh.
Diễn biến VN-Index trong tuần 10-14/4. Đồ thị: TradingView. |
Theo quan sát của VNDirect, dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến cho nhịp tăng vừa qua của thị trường diễn ra khá ngắn và không thực sự mạnh mẽ về mức tăng.
Do đó, khi thị trường bắt đầu rơi vào vùng thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã kích hoạt hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu tăng nóng vừa qua như bất động sản, chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán quay đầu điều chỉnh.
Đồng thời, động thái liên tục bán ròng của khối ngoại trong những tuần gần đây cũng gây áp lực đáng kể lên thị trường. Đây đã là tuần thứ 3 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường.
"Chúng tôi cho rằng thị trường có thể có một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm", chuyên gia phân tích VNDirect dự báo.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng kịch bản thị trường rơi sâu sẽ khó xảy ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua. Áp lực ngắn hạn từ báo cáo kinh doanh quý I và đáo hạn phái sinh không quá lớn.
Chuyên gia từ Chứng khoán MBS quan sát thấy VN-Index đã phá vỡ vùng đi ngang theo chiều đi xuống, để mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn ở các đường MA20, MA50... trong bối cảnh trong và ngoài nước không có thông tin hỗ trợ.
"Nhà đầu tư nên thận trọng, co gọn danh mục và tập trung vào cổ phiếu cụ thể thay vì tham chiếu chỉ số chung", báo cáo từ MBS khuyến nghị.
Với trạng thái tiêu cực cuối tuần qua, Chứng khoán Đông Á khuyên nhà đầu tư cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch ngắn hạn. Nhà đầu tư trung hạn nên tiếp tục nắm giữ và chờ đợi cơ hội giải ngân khi có phiên điều chỉnh.
Chứng khoán Tân Việt nhận định rằng việc VN-Index đóng cửa ở mức giá thấp nhất tuần đi kèm biên độ giảm lớn cho thấy áp lực giảm điểm vẫn sẽ tiếp diễn trong phiên đầu tuần. Dù vậy, nhóm chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm cân bằng và thiết lập vùng đi ngang tái tích lũy.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...