Theo Reuters, thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á bắt đầu tăng trưởng trở lại sau khi Nga đưa một số đơn vị quân sự tập trận sát biên giới Ukraine trở lại căn cứ.
Chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản (MIAPJ0000PUS) đã tăng 0,9% ngay trong phiên sáng 16/2, bắt kịp đà tăng của chứng khoán Mỹ và châu Âu.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,9% sau 2 ngày sụt giảm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,5%.
Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng tăng thêm 1,1% vào đầu phiên. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,4%.
Trái ngược, kết phiên sáng 16/2, chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm nhẹ 1,95 điểm (0,13%), trong khi chỉ số VN30 đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE giảm gần 5 điểm.
Các chỉ số chứng khoán và giá nhiên liệu tỏ ra nhạy cảm với thông tin xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Kyle Rodda, nhà phân tích của IG tại Melbourne, cho rằng tình hình thương mại sẽ đảo chiều nếu các hoạt động ngoại giao diễn biến tốt đẹp và căng thắng giảm bớt.
Thay vào đó, sự chú ý của giới đầu tư đang đổ dồn vào các diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ trước tin đồn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng 50 điểm lãi suất vào tháng 3.
Trong thời gian tới, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách vào tháng giêng. Một số nước như Anh, Canada cũng chuẩn bị thông báo dữ liệu lạm phát tiêu dùng trong tháng trước đó.
“Sự căng thẳng xoay quanh vấn đề Ukraine làm xao nhãng thực tế rằng vẫn còn những rủi ro và lo ngại lớn về chính sách tiền tệ toàn cầu và điều đó có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính như thế nào. Khi căng thẳng địa chính trị giảm bớt, đây sẽ là yếu tố tạo nên biến động”, Rodda nhận xét.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn ở mức 2,0311%, giảm so với mức đóng cửa tại Mỹ ngày 15/2. Tương tự, lợi tức 2 năm, phản ánh kỳ vọng FED tăng lãi suất của nhà đầu tư, ở mức 1,5569% so với mức đóng cửa 1,5774%.
Thị trường tiền tệ diễn biến trầm lắng. Chỉ số đồng dollar (DXY) giữ ổn định ở mức 96,009. Đồng yên được giao dịch ở mức 115,67/USD.
Giá dầu thô của Mỹ quay về mức 91,98 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm vào hôm 14/2. Dầu thô Brent giảm 0,1% xuống 93,16 USD/thùng.
Bên cạnh đó, vàng giao ngay giảm nhẹ, được giao dịch ở mức 1.850,54 USD/ounce.