Sau diễn biến giằng co trong phiên giao dịch sáng, thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh về cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch 22/4, VN-Index dừng tại 1.227,82 điểm, tương đương mức giảm 3,19%. Trên HoSE ghi nhận có 365 mã giảm giá, trong đó 58 mã giảm sàn. Trong khi đó số lượng mã tăng giá chỉ 80 mã và 30 mã đứng giá tham chiếu.
Tương tự trên HNX, số mã giảm cũng áp đảo với 195 mã kết trong sắc đỏ, trong khi chỉ có 46 mã tăng và 32 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 9,44 điểm, tương đương 3,18%. UPCoM giảm nhẹ hơn 2,42% trong phiên hôm nay.
Phiên hôm nay cũng xóa sạch thành quả của thị trường nhờ hai phiên tăng trước đó. Đáng chú ý, thanh khoản hôm nay tiếp tục ghi nhận mức cao. Hơn 20.660 tỷ đồng khớp lệnh trên HoSE, đưa giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 25.400 tỷ đồng.
VN-Index lao dốc mạnh về cuối phiên giao dịch ngay sau kỳ nghỉ. Ảnh: VNDirect |
Hầu hết nhóm cổ phiếu giảm mạnh trong phiên hôm nay, trong đó dẫn đầu là nhóm VN30 với mức giảm hơn 41 điểm tương đương 3,13% của VN-Index. Cụ thể, có 28 mã giảm giá trong đó 4 mã sàn; không có mã nào tăng giá. Dẫn đầu là mức giảm mạnh của bộ đôi nhà Vingroup: VIC (-3%) và VHM (-5,6%), ngoài ra các cổ phiếu nhà băng đồng loạt giảm, dẫn đầu bởi CTG (-6,79%), BID (-5,09%). Các cổ phiếu đầu ngành cũng chịu chung số phận như MSN giảm kịch sàn, HPG (-3,85%) dù vừa báo lãi hơn 7.000 tỷ đồng trong quý I.
Trong khi đó, giao dịch khối ngoại hôm nay đã thu hẹp mức bán ròng, chỉ bán nhẹ 136 tỷ đồng trên HoSE.
Trao đổi với Zing, ông Trương Hiền Phương, giám đốc môi giới chi nhánh TP.HCM của công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận, thị trường chứng khoán đã có diễn biến tăng mạnh trong thời gian qua không tránh khỏi áp lực chốt lời. Mặt khác áp lực margin của các công ty chứng khoán dù chưa chạm ngưỡng báo động vẫn đang trong tình trạng khá căng.
Tuy nhiên, theo ông việc giảm này không đáng lo ngại bởi xét về nội tại lẫn vĩ mô của Việt Nam không có nhiều thông tin tiêu cực. “Ngoài margin, việc bán mạnh của một số nhà đầu tư lớn cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Phương nói.
Cũng theo quan sát của chuyên gia từ KIS, phiên giao dịch hôm nay có diễn biến khá giống với phiên giao dịch giảm 75 điểm hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên mức độ giảm phiên hôm nay không mạnh bằng và không diễn ra trên diện rộng cho thấy tâm lý một bộ phận nhà đầu tư đã vững hơn.
Ông Phương cho rằng, với phiên rung lắc “có chủ đích” như hôm nay có kéo dài hay không, thì những phiên giao dịch này không hiếm trên thị trường, thực chất giúp tạo nền tảng cho chu kỳ tăng mới, cùng việc giảm bớt áp lực margin cũ, cũng là cơ hội cho xung lực mới, đưa mặt bằng thị trường đi lên.