Nhìn từ xa, tòa nhà 26 tầng ở vùng ngoại ô phía nam thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trông giống như một tòa chung cư.
Dù vậy, những “cư dân” bên trong lại là hàng trăm nghìn con lợn thịt. Theo Guardian, đây là trang trại lợn đơn tòa nhà lớn nhất thế giới, với công suất giết mổ lên tới 1,2 triệu con lợn mỗi năm.
Trang trại được kỳ vọng sẽ là hình mẫu cho phương thức sản xuất mới thông minh và hiệu quả hơn, giữa lúc mô hình chăn nuôi cao tầng đang nở rộ tại Trung Quốc.
Tòa "chung cư" đặc biệt
Trang trại lợn đặc biệt này bắt đầu sản xuất từ đầu tháng 10, khi công ty vận hành Zhongxin Kaiwei nhập 3.700 con lợn nái đầu tiên.
Zhongxin Kaiwei là cái tên mới nổi trong ngành chăn nuôi Trung Quốc. Công ty này vốn xuất thân từ lĩnh vực sản xuất xi măng và vẫn sở hữu hàng loạt nhà máy ở các tỉnh Hồ Bắc hay Hà Nam. Một trong số đó nằm ngay gần trang trại lợn.
Theo công ty, họ từng có ý định đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, sau khi tình hình sản xuất kinh doanh của ngành xi măng trở nên ảm đạm, công ty nhận thấy nông nghiệp công nghệ cao là mảnh đất màu mỡ.
Do đó, trang trại lợn 26 tầng ở Ngạc Châu - được xây dựng từ chính các vật liệu của Zhongxin Kaiwei - đã ra đời.
Theo tuyên bố từ tài khoản WeChat chính thức của công ty, trang trại lợn sẽ bao gồm hai tòa nhà - một trong số đó đã vận hành, còn tòa nhà còn lại cũng đã gần hoàn thiện. Nhà máy dự kiến có tổng diện tích sử dụng lên tới 80 ha và sức chứa 650.000 con lợn.
Tòa "chung cư" cho lợn tại Ngạc Châu. Ảnh: Guardian. |
Tổng số tiền xây dựng nhà máy là 4 tỷ nhân dân tệ (gần 560 triệu USD), theo Times. Con số này bao gồm chi phí hệ thống kiểm soát không khí, nhiệt độ và thức ăn. Đàn lợn sẽ được cho ăn tại hơn 30.000 địa điểm tự động - có thể điều khiển chỉ bằng một nút bấm từ phòng điều khiển trung tâm.
Chỉ riêng một thang máy trong nhà máy có thể chứa tới 60 con lợn, theo China Daily.
Zhongxin Kaiwei cho biết chất thải của lợn sẽ được tận dụng sản xuất khí biogas để tạo ra điện và đun nóng nước trong trang trại. Trong khi đó, công nhân phải đi qua nhiều lớp khử trùng nếu muốn vào trong.
“Đây là điều kỳ lạ”, một nông dân địa phương ngoài 50 tuổi nói với Guardian, bày tỏ lo ngại trang trại có thể phát ra mùi hôi nếu vận hành hết công suất.
“Khi tôi nuôi lợn 30 năm trước, chúng tôi chỉ có 2-3 con lợn trong chuồng ở sân sau. Tôi nghe nói rằng lợn nuôi trong trang trại có thể sẵn sàng xuất chuồng trong vài tháng. Thời đó, chúng tôi mất khoảng một năm. Tôi nghĩ rằng khi công nghệ phát triển, đây sẽ là xu hướng của tương lai”, ông nói.
Tranh luận về hiệu quả
Sau khi mất tới 100 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc - nước tiêu thụ khoảng một nửa số lượng thịt lợn của thế giới - đã cố gắng tăng sản lượng trở lại.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc năm 2019 cho biết họ sẽ chấp thuận các cơ sở chăn nuôi cao tầng. Quyết định này được các công ty nông nghiệp hoan nghênh nhiệt liệt.
“So với phương pháp chăn nuôi truyền thống, các trang trại lợn cao tầng thông minh hơn, có mức độ tự động hóa và an toàn sinh học lớn hơn. Đồng thời, chúng cũng giúp tiết kiệm tài nguyên đất”, giáo sư Chu Tăng Dũng tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nói.
Ông Chu chỉ ra hình thức này đã thịnh hành hơn sau dịch tả lợn châu Phi. Chỉ riêng tại tỉnh Tứ Xuyên, 64 trang trại cao tầng đang hoặc sẽ được xây dựng, theo số liệu năm 2020.
Một màn hình kiểm soát trong trang trại lợn tại Ngạc Châu. Ảnh: Guardian. |
“Ngành công nghiệp chăn nuôi lợn đang hướng đến tương lai thông minh và tự động hóa cao độ”, vị giáo sư nói. “Tiêu chuẩn cho người nuôi lợn cũng sẽ cao hơn”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng các trang trại lợn quy mô lớn có thể khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.
“Các cơ sở tập trung có thể giảm tương tác giữa vật nuôi và động vật hoang dã. Tuy vậy, nếu bệnh dịch có thể lọt vào trang trại, chúng có thể lây lan nhanh như cháy rừng”, phó giáo sư Matthew Hayek tại Đại học New York nhận định.
“Tôi đã nghe nhiều báo cáo về ‘an ninh sinh học’, ‘hiệu quả’ hay ‘bền vững’. Những luận điểm tương tự cũng được đưa ra với các trang trại trong nhà tại Mỹ. Dù vậy, có ít bằng chứng cho thấy các cơ sở tập trung có những lợi thế này trên thực tế”, ông cho biết thêm.
Đồng quan điểm, giáo sư Dirk Pfeiffer tại Đại học Thành thị Hong Kong (CityU) cho rằng khi mật độ vật nuôi càng cao, nguy cơ lây nhiễm và đột biến càng lớn.
“Câu hỏi quan trọng hơn là phương thức sản xuất này có phù hợp với nhu cầu cắt giảm tiêu thụ thịt hay không, giữa xem xét mối đe dọa tàn phá dường như không thể ngăn cản của biến đổi khí hậu”, giáo sư Pfeiffer nói.