Ngôi vương Đông Nam Á của tuyển bóng đá và bài học cho du lịch Việt
Một trong những đối thủ mạnh của ngành du lịch ở Đông Nam Á cũng là Thái Lan. Nhưng khác với bóng đá, hành trình giành ngôi vương trong khu vực vẫn còn khá dài.
60 năm mong chờ, giờ bóng đá Việt Nam đã vô địch SEA Games. Cùng cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch trong năm 2019 cũng giành nhiều thắng lợi với các giải thưởng và lượng khách quốc tế kỷ lục, khoảng 18 triệu.
Nhưng nếu như chiến thắng liên tiếp của đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo khiến khán giả có thể tin tưởng bóng đá Việt Nam thực sự đã là hàng đầu Đông Nam Á và đang hy vọng vào top châu Á, liệu sự tăng trưởng của ngành Du lịch có đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng sẽ sớm khẳng định vị thế tương tự ở khu vực?
Giống bóng đá, một trong những đối thủ của mạnh của ngành Du lịch ở Đông Nam Á cũng là Thái Lan. Nhưng khác với bóng đá, hành trình để du lịch Việt Nam vượt Thái Lan và các nước khác giành ngôi vương trong khu vực vẫn còn khá dài.
Trong khu vực, Việt Nam hiện xếp thứ tư về chỉ tiêu lượng khách quốc tế, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch, mặc dù liên tục có cải thiện, du lịch Việt Nam hiện đứng ở mức 63; trong khối ASEAN, chúng ta chỉ đứng trên ba nước là Philippines, Lào và Campuchia.
Khác với bóng đá, hành trình để du lịch Việt Nam vượt qua Thái Lan và các nước khác để giành ngôi vương trong khu vực còn khá dài.
Chỉ số hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong Đông Nam Á. Mức độ mở cửa quốc tế tăng 15 bậc, xếp thứ 58/140, nhưng vẫn không là gì so với khu vực khi Singapore xếp thứ 3, Malaysia xếp thứ 10 và Indonesia xếp thứ 16. Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 24 nước, thua xa Thái Lan (61) Malaysia (155) Singapore (158), Indonesia (169).
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch, Việt Nam có thể áp dụng chính bài học thành công của bóng đá nam.
Cần một nhạc trưởng và tinh thần đồng đội
Nếu như bóng đá Việt Nam thành công khởi sắc từ khi có HLV Park Hang-seo thì ngành du lịch cũng cần một nhạc trưởng tài giỏi, có tâm và tầm để có thể ra chiến lược, định hướng nhằm phát huy sức mạnh của tất cả các thành phần tham gia.
Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần ưu tiên tối đa. Cần tiếp tục áp dụng chính sách visa du lịch cởi mở hơn - cụ thể là miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ. Đồng thời, nghiên cứu kéo dài thời gian thị thực du lịch từ 15 lên 30 ngày cũng như cho phép nhập cảnh nhiều lần.
Trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam, người Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao, hơn 50%, trong khi mức chi tiêu của phân khúc này thấp hơn một nửa so với trung bình của cả thị trường. Sự phụ thuộc lớn vào các thị trường này cũng đặt ra rủi ro về tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, tỷ trọng khách du lịch từ các thị trường có mức chi tiêu cao như Nhật, Mỹ hay châu Âu lại đang có xu hướng giảm.
Cũng như lối chơi tập thể của bóng đá Việt Nam, ai ghi bàn cũng được, miễn là ghi bàn thật nhiều và chiến thắng là dành cho cả đội tuyển. Du lịch Việt Nam cần khắc phục tình trạng phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm và tính liên kết còn kém.
Điều này Việt Nam cần học tập Thái Lan, vốn đang làm rất tốt. Khách du lịch đến xứ Chùa Vàng chỉ phải trả một số tiền ít cho dịch vụ du lịch cứng như vé máy bay, ăn, ở, đi lại. Trung bình, mỗi người chỉ tốn khoảng 6 triệu đồng một tour trọn gói 5 ngày 4 đêm từ Việt Nam đến Thái Lan.
Du lịch Việt Nam cần khắc phục tình trạng phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm và tính liên kết còn kém.
Thế nhưng, thực tế khách tới Thái Lan chi rất nhiều tiền cho các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm. Điều này khiến cho chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch tới Thái Lan gần gấp đôi Việt Nam (163 USD so với 96 USD). Thái Lan dự kiến năm 2019 đón 41 triệu khách, cũng gấp đôi Việt Nam.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành nghề phải hỗ trợ với nhau: Du lịch - hàng không - khách sạn - nhà hàng - mua sắm - vui chơi - giải trí… để cùng tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch và làm khách chi tiêu nhiều hơn.
Rất cần khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư làm du lịch, như các tập đoàn tư nhân đầu tư cho bóng đá. Hiện ngành du lịch đã khởi sắc với nhiều khu du lịch khách sạn được đầu tư bởi các tập đoàn trong nước. Các hãng hàng không tư nhân ra đời và phát triển mạnh cũng đang góp phần chắp cánh cho du lịch Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam liên tục có những lứa cầu thủ tài năng bổ sung cho các đội tuyển. Du lịch cũng cần phát triển cả về không gian và thời gian, khai thác một cách hiệu quả, bền vững những khu, điểm du lịch mới. Cần nghiên cứu phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam để tăng thêm trải nghiệm, dịch vụ và nguồn thu từ du khách.
Đã có lúc bóng đá Việt Nam được cho là xây nhà từ nóc để lấy thành tích chứ không có hạ tầng chắc chắn là những lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản. Du lịch Việt Nam sau thời gian tăng nóng về lượng cũng đang đối mặt với vấn phát triển bền vững.
Du lịch Việt Nam sau thời gian tăng nóng về lượng cũng đang đối mặt với vấn phát triển bền vững.
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, chỉ số sự bền vững về môi trường của du lịch Việt Nam xếp rất thấp (121 trong số 140 quốc gia). Chúng ta cần có chiến lược để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tăng trưởng du lịch nóng dẫn tới phá hủy cảnh quan môi trường, làm lai căng văn hóa bản sắc địa phương. Có như vậy thì tỷ lệ khách quay lại mới được cải thiện.
Bóng đá Việt Nam đã được đầu tư tốt về sân tập, điều kiện luyện tập, mức thu nhập cho các cầu thủ và HLV. Tuy nhiên, du lịch sẽ khó phát triển nhanh nếu không cải thiện được hạ tầng như sự quá tải của sân bay, đường xá kết nối tới các điểm du lịch chưa thuận lợi.
Chính phủ cũng cần sớm có cơ chế chính sách cụ thể để quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có thể sớm đi vào hoạt động. Ngân sách cho công tác quảng bá du lịch Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế (chỉ khoảng 2 triệu so với 86 triệu USD của Thái Lan, 100 triệu USD của Singapore, 130 triệu USD của Malaysia).
Cuối cùng, nếu như bóng đá Việt Nam được hàng chục triệu người đứng sau thì ngành du lịch cũng cần sự ủng hộ của cả xã hội. Mỗi người Việt Nam hãy cùng chào đón và đối xử với du khách như khách quý tới nhà. Hãy cùng giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp và thực hiện ứng xử văn minh.
Cũng giống như bóng đá là môn thể thao có tính tập thể và gắn kết cao, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Sức mạnh của du lịch chỉ có được nếu từng thành tố cùng đóng góp, hỗ trợ tốt cho nhau. Có vậy thì viễn cảnh ngành du lịch tiếp bước bóng đá Việt Nam để giành ngôi vương trong khu vực Đông Nam Á mới không còn xa vời.