Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chức sắc thôn uống rượu tiết 'kim kê', thề không tham nhũng

Sau khi lời hịch Minh thề được vang lên, chủ tế dùng dao bầu cắt tiết gà trống, hòa với rượu và cùng mọi người uống.

Ngày 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), lễ hội Minh thề khai mạc tại làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Dịp này, lễ hội vinh dự đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Buổi lễ có sự hiện diện của bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Ngoài ra, rất đông người dân địa phương, du khách đã đến tham dự.

Hoi the khong tham nhung anh 1
Lãnh đạo huyện Kiến Thụy đón nhận di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận. Ảnh: Thùy Linh.

Kết thúc lễ đón nhận, phần lễ của hội Minh thề đã được tổ chức trang trọng. Ngay giữa sân đình làng Hòa Liễu, chủ tế kẻ một đường tròn, giữa vòng tròn cắm một con dao.

Nghi lễ bắt đầu, các bô lão, quan khách, dân làng, chức dịch... quần áo chỉnh tề tập trung trước đài thề theo thứ bậc. Đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn, bô lão của làng do ban tổ chức lễ hội, hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần.

Hoi the khong tham nhung anh 2
Con dao bầu được cắm chính giữa tâm của đường tròn, biểu thị sự quyết tâm thực hiện lời thề không tham của công. Ảnh: Thùy Linh.

Đại diện tư văn đọc lời hịch Minh thề: “Mọi người trong làng, từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Toàn thể người tham dự hô vang xin thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử.... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Lời thề vừa rứt, chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn đài thề để biểu thị sự quyết tâm.

Cuối cùng, chủ lễ nhặt con dao bầu cắt tiết gà trống, hòa vào rượu cùng mọi người tham dự uống thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao.

Hoi the khong tham nhung anh 3
Nghi lễ cắt tiết "kim kê" và uống rượu để thề là một nét rất riêng của lễ hội Minh Thề. Ảnh: Thùy Linh.

Về nguồn gốc, lễ hội Minh thề ra đời cách đây khoảng 500 năm, được nhân dân làng Hoà Liễu truyền từ đời này qua đời khác. Ở giai đoạn chiến tranh, lễ hội này bị mai một, gián đoạn. Đến năm 2003, hội chính thức khôi phục, được tổ chức trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng giêng hàng năm, trên nền cốt của hội Minh Thề xưa. 

Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã phối hợp với UBND huyện Kiến Thụy tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể hội Minh thề đề nghị UBND TP trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Để ghi nhận nét đẹp, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội, ngày 8/5/2017, hội Minh thề đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Tùng Chi

Bạn có thể quan tâm