Có một thực tế là dù triển khai được 18 tháng, mạng 4G tại Việt Nam chỉ gây ấn tượng về độ phủ (95%) còn tốc độ thực tế chưa đạt chuẩn.
4G chưa đạt chuẩn
Phát biểu tại cuộc hội thảo quốc tế 4G/5G mới đây, ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết Việt Nam chưa thể có tốc độ 4G thực tế vì băng tần còn hạn chế. Tốc độ trải nghiệm 4G bị hạn chế bởi độ rộng băng tần.
Tốc độ mạng 4G tại Việt Nam chỉ cao gấp 3,5-4,5 lần so với tốc độ 3G, thay vì hàng chục lần như công bố trước đây. |
Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông trong nước cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1.800 MHz trong khi băng tần 2.300 MHz hoặc 2.600 MHz đem lại tốc độ tốt hơn.
Theo khảo sát của IDG, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại Việt Nam đạt 35-37 Mbps, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần tốc độ mạng 3G. Trước đó, các nhà mạng công bố tốc độ mạng 4G có thể cao hơn 3G cả chục lần.
Trao đổi bên lề sự kiện, một số chuyên gia quốc tế cũng cho hay họ chỉ ấn tượng với độ phủ 4G tại Việt Nam, thay vì tốc độ mạng.
Bình luận về vấn đề này, ông Mantosh Malhotra - Phó chủ tịch Qualcomm khu vực Đông Nam Á - cho rằng người dùng luôn trông đợi chất lượng dịch vụ tốt nhất ở mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, điều này khó đạt được trên thực tế. Dịch vụ tốt thường đi kèm mức giá cước cao, qua đó nhà mạng mới có thể thu hồi vốn và tái đầu tư vào hạ tầng.
Ông này cho rằng khi kinh tế Việt Nam phát triển, người dùng có khả năng chi trả cao hơn cho dịch vụ, chắc chắn nhà mạng sẽ có doanh thu tốt hơn và cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Việt Nam phủ sóng 4G nhiều hơn Đức, Pháp nhưng tốc độ chỉ đạt mức trung bình. Đồ họa: OpenSignal. |
Trong khi đó, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương - khẳng định các nhà mạng trong nước vừa bước qua gia đoạn phủ sóng, giờ đang là lúc tối ưu hóa hạ tầng. “Giai đoạn này thường mất 3-5 tháng. Sau khi hạ tầng được tối ưu hóa, người dùng sẽ thấy chất lượng dịch vụ tốt hơn”, ông Nam nói.
Có quá sớm để bàn về 5G?
Với việc mạng 4G tại Việt Nam mới vận hành được 18 tháng, câu hỏi nhiều người đặt ra là có quá sớm để bàn về kế hoạch triển khai 5G. Theo ông Jim Cathey - Phó chủ tịch Qualcomm khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ, không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch.
“Việc lập kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho công nghệ tương lai. Việc triển khai 5G càng được chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc triển khai thực tế càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn”, ông này nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Mohamed Madkour, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh mạng di động toàn cầu của Huawei cho rằng dù cần có thời gian để phát triển hệ thống mạng 5G, ngay từ bây giờ các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam đã có thể bắt đầu xây dựng các năng lực để hỗ trợ các dịch vụ 5G trong tương lai.
“Việt Nam đã triển khai 4G chậm so với thế giới thì với 5G không nên chậm hơn. Bởi công nghệ 4G được dùng cho thiết bị di động còn 5G lại dùng cho máy móc và phương tiện (ôtô thông minh, thiết bị y tế thông minh, nhà thông minh)”, Ông Thiều Phương Nam nói. Theo ông Nam, Việt Nam nên triển khai 5G vào năm 2020.
Ông Jim Cathey – Phó chủ tịch Qualcomm khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ tin rằng Việt Nam nên sớm chuẩn bị cho 5G. |
Còn ông Đoàn Quang Hoan cho hay ngay từ thời điểm này, cơ quan quản lý đã bắt đầu bàn bạc về kế hoạch quy hoạch băng tần cho 5G. “Tại sự kiện WWDC 2019, IPU mới xác định băng tần cho các dịch vụ sử dụng 5G.
Đến tháng 11/2019, IPU sẽ công bố bằng tần cho mạng 5G tốc độ cao. Đầu tuần này, Hiệp hội Viễn thông châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ họp va bàn về vấn đề này trong khu vực.
Hiện tại, một số nhà mạng lớn trên thế giới đã rục rịch triển khai mạng 5G. Dự kiến, mạng 5G thương mại có thể được khai trương vào cuối năm nay. Những chiếc smartphone hỗ trợ 5G cũng sẽ sẵn sàng vào cuối năm.