Ai tước, bằng cách nào?
Cùng với việc xử lý của Cục NTBD đối với hành vi qua mặt cơ quan quản lý nhà nước trong việc khai hồ sơ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 bằng hình thức cấm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, dư luận cũng đặt ra với đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 - Công ty Cổ phần Vinpearl - là liệu có hình thức xử lý tước vương miện của đương kim hoa hậu Diễm Hương? Công ty Cổ phần Vinpearl đã gửi văn bản yêu cầu Cục NTBD hướng dẫn cụ thể việc xử lý.
Liệu vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 của Diễm Hương có bị tước? |
Theo doanh nghiệp này, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (Nghị định 79/2012/NĐ-CP) và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/1/2013 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP cũng không có bất kỳ quy định, hướng dẫn cụ thể nào về trình tự, thủ tục tước danh hiệu của thí sinh đã đoạt giải tại một cuộc thi người đẹp như cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt.
Trong khi đó, quy chế tổ chức thi hoa hậu người mẫu kèm theo Quyết định 87 của Bộ VH-TT-DL có hiệu lực từ ngày 15/1/2009 quy định “Thí sinh đoạt danh hiệu tại các cuộc thi, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị tước danh hiệu” đã bị bãi bỏ theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 30 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Do đó, đơn vị này chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý đối với vi phạm của Diễm Hương.
Ông Nguyễn Đăng Chương cho biết cục đã có công văn hướng dẫn trả lời cụ thể gửi đến đơn vị này và trưa 28/3, Công ty Cổ phần Vinpearl cũng đã nhận được trả lời chính thức bằng văn bản từ Cục NTBD. Công văn nói rõ: “Ban tổ chức có trách nhiệm đề xuất, xin ý kiến cơ quan cấp phép trước khi xử lý vi phạm của thí sinh đoạt giải.
Vì vậy, Cục NTBD đề nghị Công ty Cổ phần Vinpearl đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc đối với bà Lưu Thị Diễm Hương theo đúng thẩm quyền của đơn vị và ban tổ chức cuộc thi đã được Bộ VH-TT-DL giao tại Quyết định số 1336/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2010”.
Theo ông Chương, việc tước hay không là trách nhiệm của ban tổ chức cuộc thi, cơ quan nhà nước không phải đơn vị tước danh hiệu này. “Sau khi nhận được hình thức xử lý từ đơn vị tổ chức, chúng tôi sẽ có ý kiến” - ông Chương nói.
Ảnh: DH |
Về vấn đề hạn chế trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP dẫn đến đơn vị tổ chức lúng túng trong việc xử lý sự việc, vì nếu tước danh hiệu của Diễm Hương thì dựa trên cơ sở pháp lý nào lại được nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra.
Rõ ràng, Nghị định 79/2012/NĐ-CP chưa đề cập đến hình thức xử lý các thí sinh đoạt danh hiệu có sai phạm trong và sau cuộc thi. Ngoài ra, thông tư hướng dẫn nghị định này cũng không quy định việc tước danh hiệu hoặc thu hồi danh hiệu nếu sai phạm. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, chuyện hoa hậu vi phạm pháp luật bị tước danh hiệu là bình thường.
Ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Nghị định 79/2012/NĐ-CP không quy định nhưng trong đề án đã được bộ phê duyệt trước đó có quy định rất rõ việc tước danh hiệu đối với những người sau khi đoạt giải vi phạm pháp luật. Vì thế, đơn vị tổ chức phải có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định trong đề án đã được phê duyệt”.
Tạm dừng chứ không cấm
Liên quan đến thông tin Diễm Hương bị cắt vai chính trong phim Mỹ nhân Sài thành do lệnh cấm diễn của Cục NTBD, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, cục chưa có văn bản nào gửi cho Công ty Cát Tiên Sa về việc cho phép Diễm Hương tham gia đóng phim hay không, cũng không có yêu cầu dừng việc Diễm Hương tham gia đóng phim. Cục chỉ tạm dừng việc biểu diễn của Diễm Hương trong các chương trình nghệ thuật trình diễn thời trang, người mẫu, hoa hậu thuộc phạm vi quyền hạn quy định chức năng của cục”.
Theo đó, cục chỉ gửi văn bản đề nghị các sở VH-TT-DL tạm dừng cho phép hoa hậu Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đẹp, người mẫu. Bên cạnh đó, Cục NTBD cũng yêu cầu các công ty tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi hoa hậu, người mẫu và các chủ địa điểm như nhà hàng, khách sạn, quán bar... không được tổ chức cho Diễm Hương tham gia các hoạt động trình diễn thời trang hay dự thi nhan sắc.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, ngày 13/3, Cục NTBD cũng có văn bản gởi Cục Điện ảnh và Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp xử lý đối với Diễm Hương trong quá tình hoạt động nghệ thuật, tham gia đóng phim và quảng cáo. Vì vậy, việc cấm hay không là do Cục Điện ảnh chịu trách nhiệm chứ không thuộc quyền hạn của Cục NTBD.
Về quyết định tạm dừng biểu diễn không thời hạn, ông Nguyễn Đăng Chương giải thích: “Cục còn làm việc với nhiều cơ quan chức năng để có hình thức xử lý phù hợp nhất. Đồng thời, vẫn chờ kết quả xứ lý của đơn vị tổ chức, sau đó cục sẽ có văn bản trả lời chính thức cho phép biểu diễn cụ thể như thế nào”.
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, việc gian dối của Diễm Hương là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm Luật Cư trú và Luật Hôn nhân gia đình. Một người đã đăng ký kết hôn rồi nhưng đúng một năm sau lại đến ngay địa phương đó xin giấy chứng nhận chưa kết hôn là cố ý vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì thế, tước danh hiệu của Diễm Hương không phải là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không có gì khiến đơn vị tổ chức lúng túng cả.
Ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho rằng công ty đưa Diễm Hương đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 nên rút kinh nghiệm trong khâu kiểm tra, thẩm tra. Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của UBND phường nơi Diễm Hương thường trú trong việc đã chứng nhận Diễm Hương chưa kết hôn.