Trao đổi với Zing về vụ việc nhiều người trong một gia đình ở Bình Dương ngộ độc sau khi ăn bún riêu chay, pate chay, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM), cho biết 3 ca ngộ độc ở Bình Dương được chuyển lên 3 bệnh viện của TP.HCM.
Trong đó, một bệnh nhân (là người mẹ) đã tử vong, được Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận do ngộ độc phốt pho vô cơ (chất độc thường có trong thuốc diệt chuột), không liên quan đến pate chay.
Người con gái nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch, còn người bác đang điều trị tại Bệnh viện 115, được bệnh viện kết luận do ngộ độc Clostridium Botulinum, giống như trường hợp bị ngộ độc pate chay trước đây.
“Bệnh viện này cũng đã liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương đem thuốc giải độc về do thuốc này không có sẵn, phải lấy từ Thái Lan”, bà Lan cho hay.
Trưởng ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết chưa thể khẳng định gia đình ở Bình Dương bị ngộ độc do pate chay. Ảnh: Duy Hiếu. |
Trưởng ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cung cấp thông tin người nhà của các bệnh nhân này cho biết ngày 20/3, gia đình có nấu một nồi bún riêu và cho một hộp pate chay vào, nhưng không phải pate Minh Chay như nhiều ý kiến chia sẻ. Đáng lưu ý, hộp này đã bị phồng nắp và khi nếm có vị chua, nhưng gia đình vẫn cố bỏ vào nấu ăn. Sau khi ăn xong thì xảy ra ngộ độc.
“Chúng ta nghi ngờ ngộ độc do pate chay, nhưng để kết luận được phải có điều tra, mà thẩm quyền điều tra thuộc về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, vì vụ việc xảy ra tại đó”, bà Lan nói.
Sở Y tế và Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM sẽ tổng hợp tất cả chẩn đoán của bệnh viện để xem xét, vì mọi nghi vấn đang tập trung vào nồi bún riêu và pate chay.
Theo bà Lan, cần xác định pate chay đã sử dụng là pate gì, từ đó mới đem đi lấy mẫu trên thị trường để xem xét. Song, cái khó trong việc này là sự việc xảy ra từ 20/3, bún riêu đã không còn, pate chay thì sử dụng hộp bị hỏng, nếu lấy hộp mới trên thị trường để thử cũng không nói lên được điều gì và cũng không thể “đổ thừa” cho nhà sản xuất.
Sở Y tế Bình Dương đang khẩn trương làm việc đó để báo cáo Bộ Y tế.
“Giờ còn quá sớm để tuyên bố nguyên nhân ngộ độc là gì, phải có căn cứ mới có thể kết luận và đưa ra biện pháp”, bà Lan nói.
Trưởng ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân với các sản phẩm đồ hộp dù chay hay mặn, nếu móp méo, biến dạng, phồng nắp, có vị lạ thì tuyệt đối không sử dụng.
Ngày 25/3, Sở Y tế TP.HCM thông tin về 3 bệnh nhân (cùng trong một gia đình ở Bình Dương) cấp cứu tại các bệnh viện ở TP.HCM nghi bị ngộ độc do sử dụng pate chay, một người trong số đó đã tử vong (bệnh nhân C.N.M., 42 tuổi).
Hai người đang được cấp cứu là bệnh nhân C.N.H. (53 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện 115, chị gái bệnh nhân M.) và bệnh nhân P.T.T.T. (16 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, là con của bệnh nhân M.).
Theo Sở Y tế TP.HCM, 3 bệnh nhân này trước đó đều ăn pate chay và đều có biểu hiện nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp.
Sở Y tế TP.HCM trước mắt yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng tất cả sản phẩm có liên quan đến pate chay và chờ thông báo mới nhất từ Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.