Trao đổi với Zing sáng 8/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết chưa đủ căn cứ kết luận bệnh nhân 243 lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai.
"Mình đang vào giai đoạn không xác định được ca ban đầu F0, chưa thể nói người này ủ bệnh hơn 14 ngày được. Hiện đã có sự lây lan trong cộng đồng rồi, nên chúng tôi cũng đang thực hiện các điều tra y tế với ca này, có thể đây là ca mắc mới", ông Phu nói.
Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết ca này đến Bạch Mai ngày 12/3 nhưng sau đó đã đi rất nhiều nơi đông người rồi mới phát hiện nhiễm Covid-19. Các đơn vị của Bộ Y tế đang tiến hành các điều tra về kháng thể, kháng nguyên đối với trường hợp này để xác định bệnh nhân này mắc mới hay không.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng chưa có cơ sở để nói bệnh nhân 243 ủ bệnh hơn 14 ngày. Ảnh: Việt Linh. |
"Có kháng nguyên tức là cơ thể đang nhiễm virus, còn có kháng thể là đã nhiễm virus lâu rồi. Ví dụ trên 3 ngày, trên 7 ngày nhiễm, số lượng kháng thể sẽ khác nhau. Từ đó ta xác định được số ngày bệnh nhân nhiễm virus. Còn nếu không tìm được kháng thể thì chứng tỏ người này mới nhiễm", vị tiến sĩ cho hay.
Ông Phu đề nghị các cơ quan truyền thông chưa nên quy nguồn lây nhiễm của bệnh nhân 243 cho Bệnh viện Bạch Mai và cũng không nên khẳng định bệnh nhân này đã ủ bệnh trên 14 ngày.
TS Trần Đắc Phu cho rằng biện pháp quan trọng nhất hiện nay là người dân tuân thủ triệt để các biện pháp giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, đặc biệt là ở các khu vực cộng cộng.
Còn theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, các nước trên thế giới cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ công nhận thời gian ủ bệnh hiện nay là 14 ngày. Vì vậy, khả năng các trường hợp ủ bệnh lâu hơn là không cao. Và việc bệnh nhân 243 ủ bệnh 23 ngày chỉ là giả thiết và chưa thể xác thực.
"Người này có đi giao hoa và đi ra khỏi khu vực xã nên phải tiếp tục xác minh xem nguồn lây nhiễm ở đâu. Bệnh nhân này cũng là đối tượng không có triệu chứng, qua xét nghiệm sàng lọc mới phát hiện nhiễm Covid-19", ông Tuấn cho hay.
Để hạn chế các ca lây lan trong cộng đồng và phát hiện các trường hợp dương tính để cách ly, ông Tuấn cho rằng Hà Nội cần sàng lọc toàn bộ các đối tượng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, khoảng 25.000 người từng ra, vào Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 đến nay. Thành phố đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc toàn bộ các trường hợp này.
Bệnh nhân 243 - Q.Q.T. (47 tuổi, trú xóm Bảng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, làm nghề nông). Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3 và đến ngày 21/3 có biểu hiện đau mỏi người, ngấy sốt.
Từ ngày 12/3 đến 4/5, bệnh nhân T. đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Người này đã đi nhiều bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Ngoài ra, người này còn đến các đám giỗ, đám cưới và đến nhà người thân, hàng xóm.
Đến sáng 8/4, trong số có 2 ca mắc mới Covid-19 có 1 người là hàng xóm đã tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 liên quan đến bệnh nhân này.