Tại Bến xe Miền Đông, TP.HCM, Công ty TNHH Chín Nghĩa (có tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi) vừa điều chỉnh giá vé xe từ ngày 5/11 tăng lên gần 10% so với ngày thường. Cụ thể, giá vé ghế ngồi tăng từ 320.000 đồng lên 340.000 đồng, giường nằm từ 370.000 đồng lên 390.000 đồng.
Đua nhau tăng giá
Cũng tại Bến xe Miền Đông, Công ty TNHH MTV Hoàng Long đã dán thông báo điều chỉnh giá vé xe hàng loạt tuyến đi Tây Nguyên. Đơn cử, với tuyến TP.HCM đi các điểm ở Đăk Nông, giá vé xe đến Krông Nô lên 230.000 đồng, Đăk Mil 190.000 đồng, Gia Nghĩa 170.000 đồng, Quảng Khê 180.000 đồng...
Theo lý giải của Hoàng Long, việc tăng giá vé xe là để bù đắp chi phí do giá xăng dầu và lệ phí cầu đường tăng. Bên cạnh đó, đường sá xấu, xe cộ đi lại khó khăn dẫn đến chi phí hao mòn tăng.
Hành khách mua vé xe đò tại Bến xe Miền Đông chiều 25/11. |
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết có 3 doanh nghiệp cũng vừa thông báo sẽ tăng giá vé xe đò từ ngày 1/12. Đó là các hãng xe Sao Vàng, Bình Tâm và Thiên Trang, đều chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi. Mức tăng giá vé xe của 3 doanh nghiệp này là gần 10% so với ngày thường. Theo đó, ghế ngồi từ 320.000 đồng lên 340.000 đồng, giường nằm từ 370.000 đồng lên 390.000 đồng - tương đương với giá xe Chín Nghĩa.
Việc tăng giá của các doanh nghiệp ở Bến xe Miền Đông được dự đoán sẽ còn tiếp tục từ nay đến trước thời điểm bán vé xe Tết, mức cụ thể cũng tùy hãng. Một số năm trước, vài doanh nghiệp có xe chạy tuyến TP.HCM - Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tăng giá vé đến 30% so với ngày thường khiến hành khách kêu trời.
“Tạm chấp nhận được”
Theo ông Thượng Thanh Hải, việc điều chỉnh giá vé xe là quyền của doanh nghiệp, cơ quan chức năng khó có thể can thiệp sâu. Tuy nhiên, trước khi tăng giá vé, các hãng phải gửi thông báo và giải trình đến Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục Thuế TP.HCM… Nếu giải trình hợp lý thì sẽ được thông qua.
Về việc giá vé xe đò trước thời điểm phục vụ Tết năm nào cũng tăng, ông Hải giải thích: Ngày thường, lượng khách qua bến rất thấp. Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải hạ giá vé về mức hợp lý nhất. Chưa kể, ngoài xe trong bến, các hãng còn cạnh tranh với lượng xe dù hoạt động rầm rộ bên ngoài. Do biết nhu cầu của hành khách đi lại tăng cao vào dịp Tết, lượng xe phục vụ hạn chế nên doanh nghiệp sẵn sàng tăng giá vé để bù lỗ.
Ông Hải cho rằng việc tăng giá vé xe như hiện nay là tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp lớn không tăng giá vé.
Sở GTVT TP.HCM dự kiến lượng khách đi lại dịp Tết năm nay tăng không quá 5% so với năm trước. Ngày cao điểm, khách có thể đạt 100.000 lượt tại 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây. Sở dự tính sẽ huy động 120 xe buýt tăng cường cho 2 bến này dịp Tết. Nhằm hạn chế tình trạng xe chở quá tải, nhồi nhét khách, o ép giá cả, Sở GTVT TP.HCM đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành có nhu cầu hỗ trợ xe liên hệ qua số điện thoại (08) 3829 2184.
Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM cũng đang có kế hoạch vận động các doanh nghiệp hạn chế việc tăng giá vé trước thời điểm phục vụ Tết nhằm bình ổn mức giá phục vụ người dân. Theo quy định, sau khi nhận giải trình tăng giá vé xe của doanh nghiệp, nếu thấy không hợp lý, sở sẽ bác.
Gây khó khăn cho hành khách
Chị Nguyễn Thanh Trúc (quê Quảng Ngãi) lo ngại: “Nhà xe tăng giá vé trước thời điểm Tết sẽ gây nhiều khó khăn cho hành khách. Bởi lẽ, đến thời điểm phục vụ Tết, giá vé sẽ tiếp tục đội lên 20%-60%. Như vậy, chẳng khác nào nhà xe “té nước theo mưa”, cố tình tăng giá vé để hưởng lợi, đẩy khó cho hành khách”.
Theo anh Nguyễn Hải (quê Quảng Nam), doanh nghiệp luôn tìm cớ để tăng giá vé xe, nhất là đổ cho phí cầu đường, xăng dầu… tăng mà không nghĩ đến hành khách. “Chúng tôi đã ủng hộ nhà xe trong suốt thời gian vắng khách thì đến Tết, lẽ ra họ nên tạo điều kiện cho người dân về quê” - anh Hải than phiền.