Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chưa nhận giấy báo tử, mẹ vẫn đợi anh về…'

Những người mẹ vẫn vò võ ngóng tin con cho đến khi trở về lòng đất lạnh. Các anh đã vĩnh viễn chẳng trở về.

Nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 20/4, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đợt 36 để tri ân 22 bà mẹ Việt Nam anh hùng của 10 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. 

Những câu chuyện từ thân nhân các mẹ kể lại khiến chúng tôi không khỏi rưng rưng.

Lần đầu gặp em qua… di ảnh

Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam Bắc đã nối liền một dải nhưng có những cái hẹn ước đoàn viên đã vĩnh viễn chỉ là lời ước hẹn.

Ba me Viet Nam anh hung anh 1
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư trao tặng danh hiệu cho thân nhân mẹ Việt Nam anh hùng.

Câu chuyện hai chị em ruột nhưng chưa một lần gặp mặt. Mãi đến ngày đất nước giải phóng, lần đầu tiên người chị được gặp em trai mình là qua… tấm ảnh thờ. Đó là câu chuyện của bà Mai Yến Tuyết, con của mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Dễ.

Mẹ Dễ có sáu người con, chồng và con trai mẹ đều hy sinh trong chiến đấu. Bà Mai Thị Tuyết là con thứ ba. 

“Ba tôi tham gia Ủy ban kháng chiến của xã, hy sinh năm 1947. Ba mất năm tôi còn nhỏ xíu, mới 4 tuổi, bé quá chưa biết gì. Khoảng 9 tuổi tôi tập kết ra Bắc học, là thế hệ học sinh miền Nam, mẹ ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Em thứ tư tiếp tục theo cách mạng. Ngày ấy liên lạc còn khó khăn chứ đâu như bây giờ, nên khi em Cầm (liệt sĩ Mai Văn Cầm) hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, mãi sau này tôi mới biết. Năm đó em mới 23 tuổi, còn chưa lập gia đình. Người Nam kẻ Bắc nên hai chị em chưa từng một lần gặp mặt. Ngày trở về, lần đầu gặp em là qua tấm ảnh thờ. May em còn có tấm ảnh thời học sinh, ông già cũng đâu có ảnh đâu…”, bà Tuyết nghẹn lời. 

Hiện tại, anh linh của ba và em trai bà Tuyết đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương. 

Chưa nhận giấy báo tử, mẹ vẫn đợi anh về…

Bao người trai trẻ quyết tâm ra đi mong ngày đánh đuổi giặc ngoại xâm sẽ trở về bên mẹ, sẽ lập gia đình, sinh ra những đứa con ngoan. Bao người mẹ tiễn con ra đi với mong ước đất nước vẹn tròn, thống nhất, chồng, con rồi sẽ về bên mẹ.

Nhưng chiến tranh là mất mát, đau thương. Có những cuộc chia ly là tử biệt. Ngày đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, non sông nối liền một dải, bao gia đình sum họp đoàn viên nhưng cũng có những gia đình, các mẹ cứ mòn mỏi chờ đợi bởi niềm tin chưa nhận giấy báo tử, mẹ vẫn đợi anh về…

Ông Lê Quang Thắng là cháu nội của mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hoành. Trong dòng tâm sự đứt quãng, ông kể chuyện, mẹ Hoành có bảy người con thì hai con trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ngày đó, các anh mới ngoài 25 tuổi. Năm người con còn lại của mẹ tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng, đều tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ. 

“Lúc đó không có tin tức gì, gia đình chỉ nghe phong phanh là hai bác đã hy sinh. Hai bác mất từ những năm 1949-1950 nhưng phải đến khi đất nước giải phóng (sau 1975), gia đình mới nhận được giấy báo tử. Bà nội mất năm 1972, chưa biết tin…”, ông Thắng trầm ngâm.

"Độc lập, hòa bình hôm nay nhờ máu xương cha ông, đồng đội!"

Phát biểu tại lễ truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 36 diễn ra vào ngày 20/4, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM) nhấn mạnh: Độc lập, cuộc sống hòa bình mà hôm nay chúng ta có được là thành quả của cả một dân tộc bất khuất, là máu xương của ông cha, đồng đội và đồng bào.

"Khi đất nước tiến hành cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, nhiều người mẹ hăng hái tham gia cách mạng, hoạt động trên nhiều mặt trận rất gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Nhiều mẹ không sợ hiểm nguy đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm giao liên, đưa đò chở chiến sĩ qua sông, vận chuyển vũ khí. Nhiều mẹ bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, bất khuất đối mặt với quân thù, vẫn thủy chung son sắt với cách mạng với nhân dân.

Hòa trong niềm vui chung của dân tộc, bao gia đình đoàn tụ sum vầy trong niềm vui khôn xiết. Nhưng cũng có bao gia đình, bao bà mẹ lặng lẽ chờ mãi mà các anh, các chị không về. Những người thân đã vĩnh viễn đi vào lòng đất mẹ, đem vinh quang, độc lập, hạnh phúc về cho dân tộc, cho muôn nhà và để lại trong lòng mẹ một khoảng trống. Khoảng trống đó lớn lên trong lòng mẹ từng ngày, từng giờ cho đến cuối cuộc đời!”, bà Quyết Tâm nghẹn ngào. 

http://plo.vn/thoi-su/chua-nhan-giay-bao-tu-me-van-doi-anh-ve-766567.html

Theo Nguyễn Trà/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm