Sau hơn 3 tuần không có ca nhiễm mới, Việt Nam bất ngờ có thêm tới 14 ca nhiễm Covid-19 chỉ trong hơn 2 ngày. Tất cả bắt đầu với thông tin về bệnh nhân thứ 17, N.H.N ở Hà Nội tối muộn ngày 6/3.
Cơn bão thông tin về bệnh nhân số 17
Thông tin về dịch Covid-19 có lẽ chưa bao giờ nhiều và khó lọc như vào buổi tối 6/3, khi một khu vực ở quận Ba Đình, trung tâm Hà Nội bị phong tỏa. Chỉ trong chưa đến 1 giờ, dường như mọi thông tin về bệnh nhân N.H.N đã được công bố trên mạng.
Việc cách ly khu vực bệnh nhân N.H.N sinh sống vào tối 6/3 khiến nhiều người lo lắng. Tôi cũng không thể dửng dưng trước thông tin. Ảnh: Phạm Thắng. |
Trong những nhóm chat hay trên bảng tin Facebook, tôi có thể đọc đầy đủ các thông tin về N.: tên của cô là gì, người nhà là ai, sống ở đâu, làm nghề gì. Trang cá nhân của cô và người nhà ở các nền tảng được công khai. Hành trình của cô sau khi trở về Việt Nam cũng được “công khai”: đi bar này, dự sự kiện của hãng thời trang nọ.
Tất nhiên, khi đối diện với thực trạng là một bệnh nhân dịch truyền nhiễm “tung tăng” đi lại trong thành phố tôi sống, dự sự kiện mà bạn bè tôi cũng tham dự, tôi chẳng thể nhẹ nhàng bỏ qua thông tin này. Những người bạn tham dự sự kiện nói trên đều tỏ ra hoang mang, lo lắng.
Giống như cách chúng xuất hiện, những thông tin về N.H.N cũng nhanh chóng được đính chính. Cô chủ yếu ở nhà, không lên bar nổi tiếng ở phố cổ, còn người xuất hiện trong sự kiện nọ là người khác, chỉ hơi giống. Không có chuyện cô “đi hết cả thành phố” như nhiều nguồn tin trước đó khẳng định.
Một người có mặt tại buổi ra mắt thương hiệu thời trang phải lên tiếng đính chính về bức ảnh chụp cùng cô gái trông giống N.H.N. |
1h đêm, yên tâm hơn một chút, tôi chưa kịp đi ngủ thì nghe tiếng xe cấp cứu vọng lên nhà. Bình thường tôi sẽ chẳng mấy quan tâm đến tiếng xe, bởi xung quanh nhà có tới vài bệnh viện lớn, nhưng hình ảnh của một bạn học cũ đăng lên Facebook lại khiến tôi lại phải chú ý.
Hỏi thăm một chút cũng mất thêm 30 phút, và rốt cục tôi đi ngủ mà vẫn không chưa biết được tình hình ra sao. Tới sáng hôm sau, tôi mới thở phào khi đọc tin cập nhật từ chính người nhà đăng lên nhóm của tòa nhà đó: cô vợ thuộc diện cách ly tập trung, người nhà cách ly tại gia. Có lẽ những cư dân sống gần khu chung cư phía Nam Hà Nội cũng trải qua cảm giác như vậy, khi thông tin về bác sĩ khám cho N.H.N đến sáng hôm sau mới được công bố.
Khi dịch đến “gần” hơn bao giờ hết
Đợt “say sóng” vì bão thông tin đêm 6/3 có lẽ vẫn chưa so được với ngày 8/3, khi bệnh nhân số 21 được công bố. Giống như lần trước, dù tên của người này được viết tắt trên báo, chỉ ít lâu sau tôi đã thấy thông tin đầy đủ về tên tuổi, nơi làm việc của ông lan truyền trên mạng.
Dù không thực sự có nhu cầu, các nhóm chat của bạn bè, đội bóng chung cư mà tôi tham gia cập nhật liên tục những văn bản về nhóm người tiếp xúc trực tiếp người bệnh 21 (F1) và tiếp xúc gần nhóm trên (F2). Danh sách hơn 400 người, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ nhà, lan truyền chóng mặt trên mạng.
Thông tin của người bạn chia sẻ lúc gần 2h sáng khiến tôi khá lo, khi người này chỉ sống cách chỗ tôi 1 con đường. |
Lần này thì tôi không còn ngồi yên được nữa vì trong danh sách F2 có một người ở cùng tòa nhà. Thật may là chưa kịp lo thì tôi đã nhận được thông xác nhận từ chính chủ.
“Vợ em đấy, em báo từ sáng rồi mà”, chồng của chị này xác nhận, cho biết thêm đã nhận văn bản cách ly tại nhà từ Ủy ban phường.
Tuy nhiên thông tin chuẩn xác đi chậm hơn tin đồn. Nhóm Facebook khu chung cư nhanh chóng có bài đăng kiểu “cả nhà ơi”.
“Tòa .., tầng … có cô T bay cùng chuyến với cô N là bệnh nhân Covid-19 thứ 17”, bài đăng này nhanh chóng hút về hàng chục bình luận, dù nhóm vốn hoạt động èo uột. Người đăng khẳng định “tôi có nói chuyện với nhóm phun khử khuẩn” nên rất tự tin vào độ chính xác của thông tin. Phải đến khi người nhà vào giải thích, đưa cả văn bản của phường ra thì người đăng mới nhận sai và xóa bài.
Vừa nghe thông tin, một người hàng xóm của tôi đã nhanh chóng chia sẻ thông tin không chuẩn xác lên nhóm chung của tòa nhà. |
Chưa kịp bình tĩnh lại, người nhà tôi cũng nhận được thông tin “trong tòa nhà có dịch”. Tôi một lần nữa phải đính chính, giải thích rõ ràng để người nhà bớt lo lắng.
Làm thế nào để đứng vững trước bão tin đồn, tin giả?
Sau 2 ngày cuối tuần, tôi khá mệt mỏi vì phải xử lý rất nhiều thông tin. Trước đây, khi tiếp nhận thông tin về dịch tôi vẫn có thể bình tĩnh để xác nhận lại. Tuy nhiên, khi thông tin diễn ra ở những nơi gần sát, tôi mất nhiều thời gian hơn để kiểm chứng, xác thực.
Tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì có người nhà từng làm cùng cơ quan với bệnh nhân số 21, do vậy có thể gọi điện và để chính chủ xác nhận.
Gia đình bị cách ly chủ động cung cấp thông tin về nhiệt độ gia đình tới nhóm chat và Facebook để mọi người yên tâm hơn. |
Ngoài ra, tôi cũng may mắn đọc được tin "chuẩn" ở nhóm chat, trước khi nhìn thấy bài viết ở nhóm của tòa nhà trên Facebook. Nếu không sớm đọc tin chính xác, có thể tôi sẽ phần nào lo lắng với tin tức sai lệch.
Trong giai đoạn dịch vẫn phát triển, sẽ có những thời điểm thông tin đến với bạn một cách dồn dập. Có thể bạn sẽ không trực tiếp xác nhận được với đối tượng trong tin tức, nhưng ít nhất hãy bình tĩnh, nghĩ kỹ trước khi chia sẻ các thông tin. Chỉ một lần bạn kiềm chế được ý muốn chia sẻ thông tin, có thể sẽ giúp được rất nhiều người bớt đi lo lắng.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng cũng không nên chia sẻ quá rõ ràng thông tin của những người thuộc nhóm F1, F2. Rất nhiều người trong số đó chưa hề mắc bệnh, và họ nên được bảo vệ quyền riêng tư, nhất là những thông tin như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại.
Rõ ràng là không thể chủ quan với các diễn biến của dịch Covid-19, nhưng cũng đừng biến mình thành một nguồn phát tán tin tức sai lệch.