Ngày 11/5, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo kế hoạch quay trở lại trường học tập. Nhà trường cho sinh viên lựa chọn hình thức học đối với học phần tự do. Điều này khiến việc học trực tuyến và trực tiếp trên lớp gặp nhiều khó khăn.
Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên năm 3, ngành Báo chí bày tỏ những khó khăn trong lịch học. Ảnh: NVCC. |
Lịch học chồng chéo
Trở lại trường học sau nhiều tháng, Nguyễn Ngọc Linh (sinh viên năm 3, ngành Báo chí) vui mừng khi được gặp gỡ bạn bè và thầy cô. Tuy nhiên, điều khiến cô băn khoăn là thời điểm kết thúc năm học kéo dài so với mọi năm, đồng thời các thiết học giữa học trên lớp và trực tuyến bị chồng chéo thời gian.
“Thời gian này của năm học trước đã chuẩn bị kết thúc năm học nhưng năm nay sinh viên phải đến trường đến giữa tháng 6. Thời tiết nóng bức gây khó chịu. Các tiết học trực tuyến thường diễn ra gần sát hoặc bị trùng giờ các môn học trên lớp. Một buổi mình học hai môn, vừa kết thúc môn trên lớp đã tiếp tục học môn trực tuyến" - Ngọc Linh cho hay.
Nữ sinh lấy ví dụ, môn học trực tuyến bắt đầu từ 14h và kết thúc lúc 16h. Môn thứ hai học trên lớp lại bắt đầu từ 15h20 đến 17h. Lịch chồng chéo khiến sinh viên đang học trực tuyến, phải xin phép thầy cô đẩy nhanh thời gian học để kịp vào lớp.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Thắng (sinh viên năm 2, ngành Quan hệ công chúng) chia sẻ học trực tuyến khó đặt câu hỏi để tương tác với giảng viên. Học trực tuyến học sinh có nhiều bài tập hơn trên lớp, việc kết hợp cả hai khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn. Thắng cho hay nhiều lần cậu muộn học vì sự chồng chéo này.
Mới đây, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đã công bố lịch thi cuối kỳ đến sinh viên. Dù tiếp tục học trực tuyến như từ trước, thế nhưng nhiều môn học vẫn phải tổ chức thi trực tiếp do đặc thù.
Nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc làm này có thể sẽ không đảm bảo chất lượng? Bạn Ngọc Linh chia sẻ, tuy học trực tuyến nhưng các giảng viên luôn đảm bảo được lượng kiến thức và tài liệu đầy đủ cho sinh viên.
Việc thi trực tiếp không gây khó khăn cho sinh viên, trong khi đó thi trực tuyến luôn khiến Linh lo lắng nhiều hơn. Giáo viên luôn tạo điều kiện tốt để sinh viên ôn luyện và làm các bài tập, đồng thời cung cấp đầy đủ kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ.
Đồng tình với Ngọc Linh, Lê Xuân Mạnh (sinh viên năm 3, ngành Báo chí) thông tin không phải môn học nào cũng học trực tuyến - thi trực tiếp. Những cách học này không ảnh hưởng nhiều đến việc thi cử bởi vì học đại học chủ yếu tự học là chính. Sinh viên đại học chủ yếu tự học, giảng viên chỉ hỗ trợ một phần. Điểm thi của sinh viên vẫn cao nếu chú tâm vào học tập cho dù phải học trực tuyến hay trên lớp.
Hình thức không thay đổi bản chất của việc dạy và học
Trả lời Zing, TS Đào Minh Quân (Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết rằng vừa dạy trực tuyến vừa dạy trên lớp là phương án tối ưu ở thời điểm hiện tại. Bởi việc làm này đáp ứng được nhu cầu của giảng viên và sinh viên, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế dạy và học của nhà trường.
“Trước khi quyết định chọn phương án trên, nhà trường đã tiến hành lấy ý kiến của giảng viên, sinh viên để có thêm căn cứ ra quyết định. Nhà trường cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu đối với giảng dạy trực tuyến theo chỉ đạo của ĐH Quốc gia Hà Nội”, TS Đào Minh Quân chia sẻ.
TS Đào Minh Quân, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: NVCC. |
TS Đào Minh Quân thông tin thêm việc sinh viên bị chồng chéo lịch học là điều nhà trường đã lường trước. Nhà trường đã khắc phục bằng cách yêu cầu các giảng viên phải thống nhất được lịch dạy học với sinh viên, đảm bảo không xung đột giữa lịch học trực tuyến và trên lớp.
“Sau đó, giảng viên phải báo cáo nhà trường về lịch dạy trực tuyến để các bộ phận chức năng tiến hành các biện pháp rà soát, kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo”, TS Quân thông tin.
Trước những băn khoăn của sinh viên trong việc học trực tuyến nhưng thi trực tiếp là không có hiệu quả, TS Đào Minh Quân khẳng định rằng việc hình thức thi không làm thay đổi bản chất của hoạt động kiểm tra, đánh giá xem sinh viên đạt mục tiêu học tập của môn học hay không.
“Thời điểm hiện tại, cơ chế kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi trực tuyến nhằm đảm bảo khách quan, nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với việc tổ chức thi trực tiếp. Do vậy, chủ trương của nhà trường là tổ chức thi trực tiếp. Nếu kiến thức của các em chưa chắc chắn thì dù sinh viên thi trực tiếp hay thi trực tuyến cũng đều là vấn đề nan giải”, đại diện nhà trường thông tin.