Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 28/5 họp, thảo luận về vấn đề quản lý người xuất nhập cảnh, tổ chức công tác cách ly đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và người thân vào Việt Nam cũng như quản lý phi hành đoàn, tổ bay quốc tế.
Cuộc họp cũng dành thời gian xem xét ý kiến về việc tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế…
Tính toán lộ trình đón khách du lịch nước ngoài
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết sau dịch, Việt Nam đã khởi động lại du lịch nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… đã cung cấp nhiều chương trình khuyến mại, sản phẩm hấp dẫn đối với du khách trong nước.
Qua đó, du lịch nội địa đã có tăng trưởng tương đối tốt, thậm chí có những khách sạn đã đạt công suất tới 100%. “Đây là những tín hiệu rất lạc quan đối với du lịch nội địa”, bà Thủy nhận định.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết du lịch nội địa đã có tăng trưởng tương đối tốt. Ảnh: VGP. |
Đối với ý kiến về tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19, các thành Ban chỉ đạo thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam, chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại.
Các thành viên Ban chỉ đạo cũng thống nhất chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo.
Song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước.
Về đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang cho phép đón du khách nước ngoài đến du lịch ở đảo Phú Quốc, Ban chỉ đạo giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn bạc, trao đổi cụ thể, thống nhất với tỉnh Kiên Giang về thời điểm, lộ trình mở cửa và các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, báo cáo lại Ban chỉ đạo xem xét.
Tiếp tục quản lý chặt người nhập cảnh
Chia sẻ về nguy cơ dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, nhận định Việt Nam đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp.
Trong bối cảnh đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, ông Long cho rằng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước ở Việt Nam là rất lớn.
Cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP. |
“Với những người làm công tác phòng, chống dịch, chúng tôi lại cảm thấy lo ngại hơn. Vì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh xâm nhập vào trong nước mà không kịp thời phát hiện sẽ dẫn tới tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định”, ông Long nói.
Đồng tình, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; tổ chức cách ly tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định.
Các ý kiến tại cuộc họp đề nghị giao Bộ Quốc phòng tổ chức tiếp nhận quản lý cách ly đối với các lưu học sinh vào Việt Nam học tập.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý thêm các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong) để tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào Việt Nam theo đúng quy định, vì nguy cơ xâm nhập rất cao.
Ban chỉ đạo thống nhất yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.
Ban chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.