Chưa đầy 2 năm, hàng chục quan chức 'chia tay' Tổng thống Trump
Thứ tư, 12/12/2018 20:17 (GMT+7)
20:17 12/12/2018
Trước Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, hơn 30 quan chức và trợ lý đã từ chức hoặc bị sa thải trong gần hai năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly từng được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm bộ trưởng an ninh nội địa trước khi sang Nhà Trắng làm chánh văn phòng. Ông đã có một số thành công trong việc khôi phục trật tự Nhà Trắng sau khi được bổ nhiệm vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, phong cách làm việc của ông không được lòng tổng thống. Hôm 8/12, ông Trump xác nhận việc ông Kelly sẽ từ nhiệm vào cuối năm nay. Ảnh: AFP/Getty.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bị buộc thôi chức hôm 7/11 giữa lúc Tổng thống Trump nỗ lực cải tổ nội các sau khi để Hạ viện rơi vào tay đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ông Sessions là một trong những người ủng hộ ông Trump sớm nhất và mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai người đã trở nên cực kỳ căng thẳng sau cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga. Ảnh: AFP.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm 9/10 thông báo sẽ từ chức vào cuối năm. Cựu thống đốc bang South Carolina là nữ quan chức có địa vị cao nhất trong nội các của Trump và được xem là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa. Bà Haley được cho là đã nói rằng các quan chức không nên tại vị quá lâu. Ông Trump gọi bà là "người rất đặc biệt". Ảnh: AP.
Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster bị thay thế chỉ sau hơn một năm đảm nhiệm chức vụ. Đây là động thái dọn dẹp chính quyền của ông Trump trước cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tướng McMaster từng được coi là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, vì không được lòng tổng thống và dính dáng tới nghi vấn thông đồng với Nga, ông bị sa thải vào ngày 22/3. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Rex Tillerson bị Tổng thống Trump sa thải vào ngày 13/3 và thay thế bởi giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo. Tin tức về sự bất đồng giữa cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil và "ông chủ" Nhà Trắng đã râm ran từ tháng 10/2017. Ông Tillerson đã tách khỏi lập trường của Nhà Trắng về Nga và đụng độ với tổng thống Mỹ trong nhiều vấn đề ngoại giao khác. Ảnh: AFP/Getty.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn tuyên bố từ chức hôm 6/3 sau bất hòa với Tổng thống Trump về chính sách thương mại. Ông phản đối thuế quan của tổng thống đối với hàng nhập khẩu nhôm, thép và đã tìm cách đảo ngược chính sách này. Ảnh: Getty.
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Hope Hicks là một trong những phụ tá lâu năm nhất của Tổng thống Trump. Việc cựu người mẫu đột ngột từ chức hôm 28/2 giữa lúc hàng loạt nhân sự cấp cao ra đi đã khiến ông Trump bất ngờ. Bà Hicks là người thứ tư đảm nhận vai trò giám đốc truyền thông Nhà Trắng kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống. Ảnh: Getty.
Thư ký tài liệu Nhà Trắng Rob Porter từ chức hôm 7/2 sau khi bị vợ cũ cáo buộc bạo hành. Các bức ảnh cho thấy ông Porter dường như đang hẹn hò với bà Hope Hicks vào thời gian đó cũng khiến dư luận chú ý. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Dân sinh Tom Price từ chức vào ngày 28/9/2017 sau bê bối sử dụng phi cơ tư nhân với mức chi lên tới 400.000 USD, gây tổn thất cho người đóng thuế. Ông Price là nhân tố quan trọng giúp Tổng thống Trump lật ngược chương trình Obamacare. Sự ra đi của vị bộ trưởng là một tổn thất cho ông Trump. Ảnh: Getty.
Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon được biết đến với lập trường cực hữu và được mô tả là "chính trị gia nguy hiểm nhất nước Mỹ", người cổ vũ ông Trump theo đuổi con đường dân túy từ chiến dịch tranh cử năm 2016. Ông Bannon, cựu chuyên gia tài chính của Goldman Sachs, được cho là đã "lấn lướt cái tôi của ông Trump" và khiến tổng thống tức giận trước khi bị cách chức vào ngày 18/8/2017. Ông Trump nói rằng ông Bannon "đã khóc khi bị sa thải và cầu xin công việc của mình". Ảnh: Getty.
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci rời đi chỉ sau 11 ngày đảm nhiệm chức vụ. Việc bổ nhiệm ông Scaramucci đã khiến Chánh văn phòng Reince Priebus và người phát ngôn Sean Spicer từ chức. Trước khi được bổ nhiệm, cựu chuyên gia tài chính của Goldman Sachs chưa từng làm việc trong chính phủ. Ông gây ấn tượng với tổng thống qua những lần xuất hiện trên Fox News. Ông Scaramucci bị sa thải hôm 31/7/2017 sau thời gian ngắn gây náo loạn vì những phát ngôn bốc đồng. Ảnh: AP.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus trải qua cuộc chiến quyền lực với Anthony Scaramucci trước khi quyết định từ chức. Ông Scaramucci công khai nói xấu ông Priebus và cáo buộc cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa làm rò rỉ thông tin với truyền thông. Sự ra đi của ông Priebus ngày 28/7/2017 được thông báo qua Twitter. Ông được cho là đã đánh mất sự tín nhiệm của tổng thống khi không thể khiến quốc hội thông qua các đạo luật. Ảnh: AP.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer từ chức vào ngày 21/7/2017 sau khi Anthony Scaramucci được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông của Nhà Trắng. Ông Spicer từng nói với bạn bè rằng nếu phải làm việc dưới trướng Scaramucci, một thương nhân phố Wall không có kinh nghiệm và không được đảng Cộng hòa ủy nhiệm, thì ông sẽ từ chức. Ảnh: Pool/Getty.
Giám đốc FBI James Comeytừng dẫn dắt cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa ông Trump với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Việc sa thải giám đốc thứ bảy của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào ngày 9/5/2017 là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất dưới thời Tổng thống Trump. Sau khi ông Comey bị sa thải, cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt để lãnh đạo cuộc điều tra Nga. Ảnh: Getty.
Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức sau khi có thông tin ông từng thảo luận với đại sứ Nga ở Washington về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Ông Flynn từ chức vào ngày 13/2/2017 sau chưa đầy một tháng tại vị. Ông thừa nhận một thành viên cấp cao trong nhóm chuyển giao của ông Trump chỉ đạo ông liên lạc với Moscow. Lời nhận tội này đã khiến ông Flynn trở thành thành viên cao cấp nhất của chính quyền Trump bị truy tố cho đến nay. Ảnh: AFP/Getty.
Sau khi bị chỉ trích bằng những lời lẽ nặng nề, Tổng thống Trump đã đáp trả cựu ngoại trưởng Rex Tillerson bằng cách tương tự, nói ông "câm như đá" và "lười như quỷ".
Tổng thống Mỹ đề cử một luật sư bảo thủ vào chiếc ghế bộ trưởng tư pháp, vị trí được cho là có thể tác động đến cuộc điều tra liên hệ giữa Nga và ông Trump.
Nhiều nguồn thạo tin cho biết ngày 7/12 ông Trump sẽ công bố quyết định đề cử phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho vị trí đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.