Tuyển tập TS Lê Thẩm Dương: Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công gồm những bài nói chuyện và bài viết của TS Lê Thẩm Dương có tác động lớn đến giới trẻ trong thời gian vừa qua liên quan đến việc hướng nghiệp, học tập, nghiên cứu, chọn vợ/chồng, thái độ sống tích cực...
Sách được chia thành 5 phần: Chào bạn, Tân Sinh Viên; Thất nghiệp là tín hiệu tuyệt vời; Cái gì không mua được bằng tiền?; Chọn vợ/chồng theo hàm số hay biến số?; Phân loại tính cách bằng MBTI.
Zing.vn xin được giới thiệu với bạn đọc một số trích đoạn của cuốn sách này.
TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ bí quyết trở thành người thành công. Ảnh: Xuân Trung. |
Tôi bắt đầu công tác giảng dạy tại ĐH Ngân hàng TP.HCM được hơn 30 năm. Vào những thập niên 1980-1990, Internet bằng 0. Sách thiếu, tiền không có. Lúc bấy giờ thanh niên phải tìm mọi cách để vượt khó.
Đọc mọi chỗ, đọc mọi lúc, mọi nơi. Đọc xong, cắt ghi vào sổ tay, sau đó cho bạn mượn đọc. Thấy bạn đọc một cuốn sách mà mình không biết thì tức tối, khó chịu và phải tìm mọi “thủ đoạn” để đọc được.
Cứ thế nó tạo thành một cái nếp. Nhưng cái nếp này hiện tại ở Việt Nam đang bị mai một đi. Trong khi Nhật và Hàn Quốc vẫn giữ được nếp này và kinh tế của họ vẫn đang đi lên.
Đời tôi cũng vậy, mọi người cũng vậy, nếu chưa có năm ông thầy thì chưa thể thành người được.
Thầy đầu tiên là người thầy trên bục giảng. Nhưng chỉ đọc sách của thầy dạy mình thì vẫn chưa đủ. Thầy thứ hai là chính mình, là những va chạm của đời mình. Đọc sách mà tự dạy được mình thì thầy thứ hai đôi khi còn “to” hơn thầy thứ nhất. Thầy thứ ba là bạn bè, không phải đọc sách đâu mà “đọc” ngay ông bạn mình trên bàn nhậu. Thầy thứ tư là thần tượng. Thầy cuối cùng, ngày xưa không có, là Internet mà ông hiệu trưởng là Google.
Mở ông thầy Internet ra, sách không có nghĩa là tờ giấy, sách là Internet đấy. Nhưng khi mở ông thầy này ra mà nhiều bạn lại cứ vào những trang cướp, giết, hiếp thì thà đừng đọc còn hơn. Không đọc là chết mà đọc không đúng cách đôi khi chết còn nặng hơn.
Khi vào Internet, tôi thấy có một câu lạc bộ fan hâm mộ anh Luyện, tôi thấy quá nguy hiểm. Fan hâm mộ một anh giết ba mạng người thì tôi không thể tưởng tượng nổi. Mặt trái của Internet là ở chỗ đó, cho nên phải có văn hóa đọc. Đọc để thấy quy luật, chứ không phải đọc gì cũng hấp thụ hết.
Có người cứ mở miệng ra là: “Mày kỳ quá, trên mạng nó nói hẳn hoi”. Nói thế thì chết rồi, bị động rồi. Thang Bloom đã chia thành sáu bậc khi đọc sách. Đầu tiên là anh đọc chỉ để biết. Đến đoạn thứ hai là anh phải hiểu. Đoạn thứ ba, tức là đẳng cấp thứ ba, là anh làm được điều đó. Đẳng cấp thứ tư là anh phải phân tích được. Đẳng cấp thứ năm là phải tổng hợp được các yếu tố lại xem lăng kính của người viết là gì. Đẳng cấp cuối cùng là đánh giá được vấn đề, cái nào cần dẹp sang một bên, cái nào ổn cần học theo…
Có rất nhiều những bài tổng hợp, nghiên cứu về thói quen của người thành đạt và chúng đều gặp nhau ở một điểm chung là thói quen đọc sách. Ví dụ, tỷ phú Bill Gates (Microsoft) là một người rất thích đọc sách báo, mỗi đêm trước khi đi ngủ ông thường dành ra một giờ để đọc sách báo các loại.
Bên cạnh lợi ích rõ ràng của việc trau dồi thêm nhiều kiến thức mới, việc đọc các loại sách báo hằng ngày còn giúp giảm căng thẳng và cải thiện trí nhớ của con người. Theo một nghiên cứu năm 2009 của ĐH Sussex, đọc sách báo trước khi đi ngủ có thể cải thiện được độ dẻo dai của bộ não, giúp cho con người có trí nhớ tốt hơn khi về già, trung bình tốt hơn khoảng 32% so với người khác.