Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa chọn được phác thảo tượng đài Bác Hồ ở Sơn La

Dư luận, báo chí cần phân biệt rõ đâu là kinh phí xây dựng tượng đài, đâu là kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ khác, rồi hãy bình luận là đắt hay rẻ, cao hay thấp mới chính.

Đó là ý kiến của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh & triển lãm (Bộ VH-TT&DL), trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 5/8 xung quanh việc HĐND tỉnh Sơn La ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.

“Còn nếu hiểu những kinh phí xây dựng công trình phụ trợ khác cũng là kinh phí xây dựng tượng đài thì sẽ tạo hiệu ứng bức xúc trong dư luận, vì từ trước đến nay ở Việt Nam làm gì có tượng đài nào lên đến hơn 1.000 tỷ đồng”, ông Thành giải thích.

Ông cũng cho rằng con số 1.400 tỷ đồng trong nghị quyết mà HĐND tỉnh Sơn La mới thông qua là không có cơ sở khoa học, không có căn cứ chính xác, bởi vì: “Hiện nay chưa thể có dự toán kinh phí tượng đài Bác Hồ ở Sơn La. Mọi người nghĩ rằng số tiền 1.400 tỷ là để xây dựng duy nhất tượng đài Bác Hồ. Nhưng Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn phác thảo tượng đài Bác Hồ ở Sơn La còn chưa chọn được phác thảo xây dựng tượng đài thì sao tỉnh Sơn La đã đưa ra dự toán kinh phí tượng đài được? Khi chưa chọn được phác thảo thì về logic là chưa thể xây dựng dự toán kinh phí”.

Ông Thành cũng nói rõ quan điểm của Bộ VH-TT&DL bằng văn bản cũng như trong các cuộc hội nghị, hội thảo và các cuộc tuyển chọn phác thảo tượng đài thì bộ luôn lưu ý rằng quy mô tượng đài phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như bối cảnh không gian kiến trúc nơi đặt tượng đài.

Và theo quy định của Chính phủ, tượng đài Bác Hồ ở các trung tâm hành chính, chính trị thì về nguyên tắc phải nằm trong quy hoạch. Còn trường hợp quy hoạch đến năm 2030 chưa được phê duyệt thì tất cả phải cáo cáo Ban Bí thư. Ban Bí thư đồng ý về chủ trương thì mới được làm.

Công trình tượng đài Bác Hồ ở Sơn La đã được đưa vào quy hoạch đến năm 2030, nhưng hiện nay quy hoạch này chưa được phê duyệt, nên phải thông qua ý kiến các bộ VH-TT&DL, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư… đồng ý. Ban Bí thư cũng họp và cho ý kiến đồng ý chủ trương làm thì mới được làm.

Nói về bản “Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”, ông Thành cho biết hiện nay Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố để hoàn thiện quy hoạch.

“UBND các tỉnh và bộ ngành đề xuất từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng mới 58 tượng đài Hồ Chí Minh. Nhưng bộ dự kiến chỉ đưa vào quy hoạch trình Thủ tướng xây mới 14 tượng đài trong thời gian tới”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cũng khẳng định đề án trên là do tỉnh Sơn La xây dựng và quyết định, Bộ VH-TT&DL chỉ tham gia về mẫu tượng và hiện vẫn chưa chọn được mẫu tượng. Đồng thời, ông Biên cũng khẳng định việc Chính phủ bổ sung tượng đài Bác Hồ ở Sơn La vào quy hoạch chỉ để khẳng định sẽ có tượng đài Bác Hồ ở Sơn La chứ không phải là đồng ý với dự án và con số 1.400 tỷ đồng.

Chủ tịch Sơn La: 'Tượng đài Bác Hồ chỉ 200 tỷ'

Thông tin từ UBND tỉnh Sơn La cho hay, số tiền 1.400 tỷ đồng xây cụm công trình tượng Bác Hồ là mức khái toán ban đầu, số tiền dùng để xây dựng tượng khoảng 200 tỷ đồng.

“Về con số 1.400 tỷ đồng thì tôi không được biết vì hiện tôi chưa biết đề án của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì tượng Bác Hồ ở Sơn La thuộc nhóm A2, tương tự như đã làm ở một số nơi và kinh phí làm tượng ở những nơi này chỉ khoảng trên dưới 100 tỷ đồng. Theo tôi hiểu, nếu có con số 1.400 tỷ thì chắc là gồm nhiều hạng mục như quảng trường, bảo tàng…, còn tượng đài chỉ là một hạng mục trong cụm công trình đó”.

Ông Biên nói thêm: “Việc xây tượng đài Bác Hồ để giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước ở một số nơi được chọn lọc là rất cần thiết. Nhưng xây tượng đài Bác như thế nào, ở đâu, quy mô ra sao thì phải theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quy định của pháp luật, điều kiện từng địa phương và kinh phí cho tượng đài không thể lên đến con số hàng nghìn tỉ đồng. Ở Sơn La, ngân sách trung ương cũng chỉ đảm bảo phần tượng đài của Bác và chắc chắn chỉ khoảng từ 100-200 tỷ đồng”.

Trước đó ngày 4/8, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La có trình bày rằng đây mới chỉ là đề án với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng bao gồm nhiều hạng mục công trình, trong đó xây dựng tượng đài Bác Hồ khoảng 200 tỷ đồng. Về phương án cân đối nguồn vốn sẽ sử dụng ngân sách nhà nước, vốn chỉnh trang đô thị, khai thác từ quỹ đất và huy động vốn xã hội hóa.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150805/chua-chon-duoc-phac-thao-tuong-dai-bac-ho-o-son-la/789150.html

Theo V.V.Tuân/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm