Bức tường dài gần 100 mét ở chùa Thiên Niên đang bị bôi bẩn bởi nhiều hình vẽ graffiti, gây mất mỹ quan, không phù hợp với văn hóa Phật giáo Việt Nam.
|
Chùa Thiên Niên có từ thời Lý, trên 1000 năm tuổi nằm trên đường Vệ Hồ, Hà Nội. Gần đây, bức tường ở cổng sau của chùa xuất hiện nhiều hình vẽ graffiti - còn gọi là vẽ nghệ thuật đường phố.
|
|
Nhiều người cho rằng, việc vẽ những hình này không phù hợp với những nơi tôn nghiêm. |
|
Graffiti ra đời từ các nước phương Tây và du nhập vào Việt Nam từ lâu. Giới trẻ thường đưa loại hình mỹ thuật này lên những bức tường tại các khu nhà đổ nát, không người ở, quán bar, cafe hay các chốn vui chơi của giới trẻ.
|
|
Ông Thắng, một người thường xuyên đi bộ qua đây phàn nàn: "Tôi không có thiện cảm với những bức vẽ này, trông nó như hình ở sàn nhảy của đám thanh niên. Nhiều hình thù nhìn gớm ghiếc, đáng sợ, toàn màu đen".
|
|
Chiều 26/5, trao đổi với Zing.vn, nhà sư trụ trì chùa Thiên Niên khẳng định, việc vẽ graffiti lên tường nhà chùa là hành động thiếu ý thức, vi phạm nơi tôn nghiêm, không phù hợp với văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo.
|
|
"Việc này diễn ra từ lâu và nhiều lần, nhà chùa từng sơn lại tường nhưng đâu lại vào đó. Vào buổi tối, một số thanh niên thường tới vẽ đè hình mới lên hình cũ. Chúng tôi cũng không còn biện pháp nào khác vì không thể cắt cử người ra đó trông coi", sư thầy nói.
|
Gần đây, phong trào vẽ graffiti nở rộ, xuất hiện nhiều ở các tụ điểm vui chơi, quán bar, nhà hàng, thậm chí cả trên cánh cửa sắt một số tiệm kinh doanh. Đây là loại hình văn hóa đường phố hay còn gọi là nghệ thuật đường phố, du nhập từ Tây Âu, nơi các bạn trẻ phô diễn tài năng và thể hiện tiếng nói của mình.
Tranh phun sơn, từ gốc tiếng Anh là Graffiti có nguồn từ chữ "graphein", tiếng Hy Lạp nghĩa là viết. Sau này, nó trở thành từ “graffito” trong tiếng La tinh, nghĩa là “hình vẽ trên tường”. Graffiti là dạng hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc khắp nơi trên các bức tường ở các đường phố, khu phố… và được vẽ bằng sơn xịt lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng.