Ông Chu Vĩnh Khang. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ngay sau khi thông tin ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bị khai trừ khỏi đảng xuất hiện trên Tân Hoa xã ngày 6/12, nhiều bài phân tích về Chu đã nở rộ trên mạng.
Phân tích các tội danh của ông Chu Vĩnh Khang, ông Ngũ Phàm - một chuyên gia về Trung Quốc, chủ biên "Trung Quốc sự vụ” cho biết, tội lớn nhất của ông Chu là vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, kỷ luật chính trị và tiết lộ bí mật quốc gia. Một số nguồn tin còn cho rằng, Bắc Kinh nghi Chu Vĩnh Khang liên quan tới âm mưu đảo chính. Trên thực tế, “vụ án Chu Vĩnh Khang” là án đảo chính lớn nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập. “Chỉ vụ việc của Chu Vĩnh Khang là có đủ bằng chứng thuyết phục, nhân chứng, vật chứng”, tờ Đại Kỷ Nguyên dẫn lời ông Ngũ Phàm.
Theo trang mạng Ifeng, ít nhất 200 cán bộ, quan chức cấp tỉnh, cấp Bộ trở lên dính líu tới Chu Vĩnh Khang. Hãng Reuters đưa tin, số tiền các nhà điều tra tịch thu của Chu khoảng 90 tỷ nhân dân tệ. Tiến sĩ Chương Thiên Lượng, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng cho rằng, động cơ bí mật đằng sau hành vi “điên cuồng góp tiền” và tạo bè cánh là để chuẩn bị cho một cuộc đảo chính.
Đối với cáo buộc “tiết lộ cơ mật quốc gia”, chuyên gia gốc Hoa Bùi Mẫn Hân thuộc Học viện Claremont McKenna, Mỹ, nhận định đây là cáo buộc chưa từng có trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Tờ Đa chiều cho rằng, nhiều khả năng việc tiết lộ thông tin quan trọng quốc gia cho người không được biết có liên quan tới án Bạc Hy Lai. Ngày 7/3/2012, tại hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị họp bàn việc bãi chức Bạc Hy Lai, 8 người bỏ phiếu thuận, riêng Chu Vĩnh Khang bỏ phiếu chống, sau đó Chu đã thông tin cho Bạc biết ý định “xử lý” Bạc của Đảng.
Nhận xét về chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, một số thông tin cho rằng, chiến dịch này không chỉ khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng thêm uy tín, mà còn giúp ông thâu tóm quyền lực tối đa.