Đây là chia sẻ của ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng 29/4.
Cụ thể, ông Bình cho biết tính đến cuối quý I/2022, VietinBank có số dư nợ xấu nội bảng (nợ nhóm 3-5) đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,25%. Trong đó, tỷ lệ trích lập dự phòng trên số dư nợ xấu tại ngân hàng cũng là 197%.
Theo chủ tịch VietinBank, đây là mức trích lập dự phòng tương đối cao nếu so với các ngân hàng khác trên thị trường. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn muốn gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu này.
Tăng mạnh trích lập dự phòng
Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng cho biết trong năm 2022, Vietinbank sẽ cân đối giữa việc tạo ra hiệu quả thu nhập trên chi phí lớn để thực hiện 2 mục tiêu là đảm bảo lợi nhuận tốt tạo tiền đề cho việc tăng vốn điều lệ và tăng cường trích lập dự phòng.
“Mức trích lập dự phòng có thể là 15.000 tỷ đồng, hoặc có thể cao hơn tùy theo kết quả kinh doanh của ngân hàng”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo vị chủ tịch, phần trích lập dự phòng này giống như “của để dành” của ngân hàng, dù chưa ghi nhận hiện tại nhưng sau này nếu cần thiết ngân hàng vẫn có thể thực hiện ghi nhận lợi nhuận.
Trong quý II/2022, Vietinbank dự kiến tiếp tục triển khai xếp hàng tín dụng nội bộ, quản lý danh mục, hướng đến khách hàng bán lẻ để giảm thiểu rủi ro. Trong quý I trước đó, ngân hàng đã trích lập hơn 4.400 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh: CTG. |
Chia sẻ về nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần ngân hàng sụt giảm trong quý I bất chấp tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực, ông Bình cho biết VietinBank đã bị thu hẹp hệ số NIM trong quý I năm nay do các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, NIM năm 2021 của ngân hàng là 3%, nhưng đến quý I vừa qua, tỷ lệ này chỉ đạt 2,6%.
“NIM giảm chủ yếu là do hỗ trợ khách bị ảnh hưởng bởi Covid-19. VietinBank là ngân hàng lớn và khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì ngân hàng cũng có trách nhiệm chia sẻ. Các ngành nghề khó khăn nhất hiện nay cũng là những ngành nghề đang được VietinBank hỗ trợ giảm lãi suất như kinh doanh bất động sản, lưu trú ăn uống, vận tải, đệt may, thực phẩm…”, ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cho biết trong quý II và nửa cuối năm, thị trường đang có những tín hiệu tích cực khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, VietinBank đang cơ cấu lại danh mục cho vay với mục tiêu cải thiện hệ số NIM và gia tăng hiệu quả cho kết quả kinh doanh cả năm.
Tăng vốn lên hơn 2,3 tỷ USD
Tại phiên họp lần này, ban lãnh đạo VietinBank đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn năm 2022. Theo đó, ngân hàng dự kiến tăng thêm gần 5.700 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Cụ thể, VietinBank sẽ phát hành tối đa hơn 569,4 triệu cổ phiếu, tương đương mệnh giá hơn 5.694 tỷ đồng, để trả cổ tức với tỷ lệ 11,85% cho cổ đông hiện hữu. Sau giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 48.058 tỷ lên gần 53.752 tỷ đồng, tương đương hơn 2,3 tỷ USD quy đổi.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ RIÊNG NGÂN HÀNG MẸ VIETINBANK | |||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 Kế hoạch | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 7264 | 8197 | 9350 | 6193 | 11461 | 16477 | 16860 | 19400 |
Toàn bộ phần vốn tăng thêm dự kiến được ngân hàng dùng để bổ sung vốn phục vụ kinh doanh cho một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư khác…
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, VietinBank đặt kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, tương đương hơn 19.389 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận thực tế sẽ được đưa ra dựa trên ý kiến phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước.
Với cổ tức năm 2022, ngân hàng dự kiến chi trả bằng cả tiền mặt và cổ phiếu theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5-10% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng sẽ tăng theo chỉ tiêu của NHNN giao. Nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng 8-10% và sẽ có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Cũng tại phiên hôm lần này, cổ đông VietinBank đã thống nhất bổ sung thêm 1 nhân sự vào HĐQT là ông Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1970). Trong đó, ông Thành từng là Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Đến tháng 2/2010, ông chuyển sang công tác tại VietinBank với vị trí Trưởng phòng Định chế Tài chính. Hiện ông đang đảm nhiệm vai trò phó tổng giám đốc tại ngân hàng.