"Với Vichai, thế giới đã mất đi một người đàn ông tuyệt vời, tử tế, hào phóng và là người có cuộc sống được tạo nên bởi tình yêu mà ông dành cho gia đình mình cũng như những người ông từng dẫn dắt", đại diện của câu lạc bộ Leicester thông báo xác nhận Chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha qua đời sau vụ tai nạn máy bay.
Tối ngày 27/10, sau khi trận đấu giữa Leicester City và West Ham kết thúc với tỷ số hòa 1-1, Chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha bước lên chiếc trực thăng riêng đậu giữa sân vận động King Power để trở về nhà như mọi lần. Thế nhưng hôm đó lại là một ngày khác, bởi thảm kịch đã xảy đến sau đó không lâu.
Theo lời nhân chứng kể lại, sau khi chiếc trực thăng vừa bay lên khỏi mặt đất, cánh quạt sau đã ngừng hoạt động. Máy bay xoay mòng mòng nhiều vòng trên không trước khi lao xuống bãi đỗ xe của sân vận động cách đó không xa. Hiện trường còn lại sau đó chỉ còn là đám cháy và đống đổ nát.
Các cổ động viên của "Bầy cáo" có lẽ không thể ngờ đây là lần cuối cùng họ được diện kiến vị chủ tịch người Thái Lan đáng kính.
Đế chế King Power và mối quan hệ với Hoàng gia Thái Lan
Theo Forbes, vị chủ tịch 61 tuổi là người đàn ông giàu thứ 5 của Thái Lan với tổng giá trị tài sản lên đến 3,82 tỷ bảng. Ông Vichai được đánh giá là người đã một tay đưa tập đoàn King Power trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu xứ chùa Vàng.
Chủ tịch kiêm CEO của King Power là một người Thái gốc Hoa. Tất nhiên, con đường trở thành đầu tàu nền kinh tế của ông rõ ràng không trải đầy hoa hồng. Vichai đã vươn lên từ vị trí quản lý trở thành một ông chủ của ngành bán bán lẻ trên đất Thái.
Hiện trường vụ rơi máy bay của Chủ tịch Vichai bên ngoài sân vận động King Power. |
Tập đoàn King Power được thành lập cách đây gần 2 thập kỷ. Năm 1989 đánh dấu cột mốc đáng nhớ của tập đoàn. Đó là lễ khai trương cửa hàng đầu tiên của tỷ phú người Thái Lan, đặt tại trung tâm thương mại Mahatun Plaza ở thủ đô Bangkok. Khi đó, Vichai chỉ là chủ một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ.
Sau này, MacGregor Marshall, một nhà báo nổi tiếng chuyên nghiên cứu về những vấn đề chính trị, xung đột sắc tộc ở châu Á và Trung Đông, cho biết: "Không ai biết tới Vichai cho đến khi ông thành lập nên tập đoàn King Power. Ông ấy chỉ là một nhà quản lý tầm trung với số tiền lương hơn 1.000 USD mỗi tháng".
Xứ chùa Vàng không chỉ nổi tiếng là nơi sở hữu những danh lam thắng cảnh hàng đầu của Đông Nam Á, thu hút nhiều triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Nơi đây còn được biết đến với những khu trung tâm thương mại "đi cả ngày không thấy điểm dừng". Nói vậy để thấy việc sở hữu chuỗi cửa hàng tại đây đã có thể biến Vichai trở thành một doanh nhân có tiếng, song tham vọng của ông không dừng lại ở đó.
Khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đế chế King Power đến từ việc chủ tịch CLB Leicester mở cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại sân bay quốc tế Don Muang. Khi đó, doanh nghiệp này là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép bán hàng miễn thuế tại sân bay. Chính sự độc quyền về mặt địa bàn đã giúp sự nghiệp của Vichai lên như diều gặp gió.
Vichai Srivaddhanaprabha được biết đến như một "ông trùm" trong ngành bán hàng miễn thuế tại các sân bay nổi tiếng ở Thái Lan. |
Thế nhưng tại sao chỉ riêng Vichai Srivaddhanaprabha mới có được con dấu cấp phép này? Đó là nhờ mối quan hệ thân tình với Hoàng gia Thái Lan. Báo Guardian nhận định tỷ phú gốc Hoa là người "trung lập về tư tưởng chính trị". Điều đó giúp ông dung hòa những đảng phái ở xứ chùa Vàng. Tất nhiên điều quan trọng là việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với giới cầm quyền nơi đây.
Cũng chính MacGregor Marshall, tác giả của cuốn sách viết về sự khủng hoảng của Thái Lan ở thế kỷ 21, cũng phải thốt lên: "Việc cấp phép kinh doanh cho Vichai chẳng khác nào tạo điều kiện cho một cỗ máy in tiền hoạt động".
Nhận định này hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ thừa thắng xông lên, Vichai tiếp tục thâm nhập vào sân bay quốc tế Suvarnabhmi ngay khi nó vừa khánh thành năm 2006. Lập tức, ông trở thành người kiểm soát hầu hết gian hàng bán lẻ tại đây. Nhờ đó, doanh thu của tập đoàn tăng phi mã.
Đế chế King Power không ngừng phát triển kể từ ngày đó và đóng góp lớn vào nền kinh tế Thái Lan. Nhằm tưởng thưởng cho những cố gắng không ngừng nghỉ của chủ tịch CLB Leicester, cách đây 6 năm Vua Bhumibol Adulyadej ban cho gia đình Vichai họ "Srivaddhanaprabha". Trước đó, tên thật của tỷ phú 61 tuổi này là Vichai Raksriaksorn.
Chủ tịch Vichai là người truyền cảm hứng lớn đến thế hệ trẻ. Đồ họa: An Thắng. |
"Srivaddhanaprabha" có nghĩa là "ánh sáng của vinh quang và sự tiến bộ". Đó cũng chính là những gì vị chủ tịch người Thái Lan mang đến bất cứ nơi đâu ông đặt chân tới.
"Được mang họ do hoàng gia ban tặng là một vinh dự lớn lao cho gia đình chúng tôi. Họ Srivaddhanaprabha truyền tải thông điệp tốt đẹp và mang tới sự thịnh vượng cho các thành viên trong gia đình", ông chia sẻ với báo chí xứ chùa Vàng năm 2012.
Họ "Srivaddhanaprabha" giúp nâng cao vị thế của tỷ phú sinh năm 1957 tại quê nhà cũng như trên trường quốc tế. Đó cũng chính là lý do dù trở nên giàu có từ những năm đầu của thế kỷ 21 nhưng phải gần một thập kỷ sau, cái tên Vichai mới có mặt trong danh sách của những doanh nhân nổi tiếng trên thế giới.
Tỷ phú Vichai có mối quan hệ vô cùng hảo hữu với giới cầm quyền xứ chùa vàng. |
Tầm nhìn chiến lược với Leicester City
Doanh thu tập đoàn King Power đang gia tăng không ngừng tỷ lệ thuận với sự phát triển của ngành du lịch Thái Lan thời gian gần đây. Không chỉ chi phối chuỗi cửa hàng miễn thuế tại 2 sân bay lớn nhất thủ đô Bangkok, tỷ phú này còn sở hữu 3 trung tâm mua sắm nổi tiếng xứ chùa Vàng.
Có một câu nói của giới doanh nhân đại ý rằng người giàu luôn tính toán để tất cả những gì họ bỏ tiền ra mua đều sinh lời. Điều đó có vẻ không đúng với Vichai ở thời điểm ông quyết định mua lại CLB Leicester, khi đó còn đang mờ nhạt tại xứ sở sương mù. Song, tỷ phú người Thái Lan một lần nữa khẳng định châm ngôn: "Đừng dạy nhà giàu cách tiêu tiền".
Nếu như tài phiệt người Nga Roman Abramovich mua lại CLB Chelsea trong một lần đến sân vận động này để xem bóng đá và suýt chút nữa đầu tư cho Liverpool, tỷ phú Vichai chỉ mất 30 phút để quyết định gật đầu trở thành ông chủ của Leicester City vào ngày 29/1/2010. Khi đó, "Bầy cáo" thậm chí còn chẳng phải một "ngựa ô" ở giải đấu nước Anh.
39 triệu bảng không đáng gì so với số tiền các CLB bỏ ra để có được chữ ký của những bản hợp đồng bom tấn, chưa nói gì đến khối tài sản được tính bằng tỷ USD của Vichai. Bằng chứng là sau khi ông mua lại CLB Leicester không lâu, Chesea thậm chí còn bỏ ra số tiền nhiều hơn như vậy để chiêu mộ Fernando Torres từ Liverpool.
Dẫu vậy, quyết định trở thành chủ tịch mới của đội chủ sân King Power cũng khiến Vichai Srivaddhanaprabha bị gán mác "điên rồ" bởi tấm gương của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra vẫn còn đó. Ông Thaksin bỏ ra hơn 80 triệu bảng để mua lại CLB Man City năm 2007 nhưng sớm phải "sang tên đổi chủ" do không thể sinh lời.
Thế nhưng Vichai không đầu tư theo kiểu "ăn xổi" như vậy. Bằng chứng là lúc này, CLB Leicester City được định giá khoảng 371 triệu bảng, gần gấp 10 lần so với số tiền tỷ phú người Thái bỏ ra cách đây hơn 8 năm. Điều gì đã khiến một CLB ngụp lặn tại Championship trở thành nhà vô địch Premier League một cách thần kỳ chỉ sau vài năm?
Tỷ phú người Thái là một fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt |
Đó chính là nhờ chiến lược phát triển lâu dài kể từ thời điểm ông chính thức ngồi vào ghế chủ tịch của CLB vào tháng 2/2011 và bổ nhiệm cậu con trai Aiyawatt (còn được biết tới với cái tên Khun Top) vào vị trí phó chủ tịch đội bóng.
Tuyên bố chi 180 triệu bảng để đưa CLB lọt vào top 3 tại Premier League sau 3 năm hồi 2014 tưởng chừng chỉ là lời nói suông, song Vichai đã giữ đúng lời hứa "trục vớt" con tàu Leicester khi đó đang ngập trong nợ nần.
Theo báo cáo của Leicestershire Live, vị chủ tịch này đã đầu tư hơn 120 triệu bảng cho CLB, đồng thời thanh toán khoản nợ 103 triệu bảng trước đó bằng tiền túi vào năm 2013. Đáp lại tấm lòng của ông chủ tận tâm, Leicester City không cần đến nửa số tiền Vichai đã hứa để đăng quang ngôi vô địch Premier League ở mùa giải 2015/16.
Không những vậy, ông còn cải thiện tình hình tài chính của CLB bằng chiến lược bán cầu thủ. Thời điểm Vichai ngồi vào ghế chủ tịch Leicester là lúc các "ông lớn" tại xứ sở sương mù vung tay quá trán, chi tiền tấn để mang về những bản hợp đồng chất lượng.
Tài phiệt người Thái Lan không làm vậy. Ông chú trọng việc xây dựng trung tâm đào tạo trẻ, một phần để cung cấp nguồn nhân sự cho đội bóng nhưng đồng thời hướng đến mục tiêu quan trọng hơn là phát triển nền bóng đá xứ chùa Vàng.
Khóa đào tạo kéo dài 2 năm cho các cầu thủ U16 Thái Lan tại Leicester đã giúp những cậu bé này tiếp xúc với tư duy bóng đá phương Tây từ sớm, từ đó nâng cao phẩm chất và kỹ năng thi đấu.
HLV trưởng đội tuyển Thái Lan, huyền thoại Kiatisuk cũng có lần tới thăm khu tập huấn của "Bầy cáo" và bày tỏ sự ngưỡng mộ tới vị chủ tịch đồng hương. Với phương pháp huấn luyện và cơ sở vật chất tại đây, Kiatisuk tin rằng nền bóng đá Thái Lan sẽ sở hữu nhiều cầu thủ tiềm năng trong tương lai.
Ngoài ra, Leicester City còn có đội ngũ tuyển trạch chất lượng để phát hiện và đưa về những "sao mai" trên khắp thế giới. Riyad Mahrez, N'Golo Kante là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này.
Ông chính thức mua lại CLB Leicester City vào năm 2010 với số tiền 39 triệu bảng. |
Từ cầu thủ vô danh, họ đã trở thành thành viên của các CLB hàng đầu châu Âu, đồng thời mang về cho đội bóng cũ nguồn lợi nhuận không nhỏ. Đáng chú ý, dù mất đi nhiều trụ cột, Leicester vẫn đứng vững và tiếp tục là một đối thủ khó chịu của tại Premier League.
Ông chủ tận hiến của "Bầy cáo"
Vichai Srivaddhanaprabha là một Phật tử. Ông mời các nhà sư Thái Lan tới nước Anh để cầu nguyện cho CLB trên hành trình chinh phục ngôi vương. Các cầu thủ của "Bầy cáo" đã nhận được lời chúc phúc cùng những lá bùa may mắn. Báo chí Anh gọi ông là người mê tín. Đáp lại những thị phi, Leicester City lên ngôi vô địch mùa giải năm đó.
Với danh hiệu Premier League này, từ một doanh nhân người Thái Lan, Vichai trở thành thần tượng số một trong lòng các cổ động viên "Bầy cáo". Ông nổi tiếng là người hào phóng, luôn hết mình với CLB và chẳng ngần ngại giao lưu cùng người hâm mộ dù không biết nói tiếng Anh.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Claudio Ranieri, Leicester viết nên câu chuyện cổ tích của chính mình khi vô địch sớm 2 vòng đấu ở mùa giải 2015/16. Với cái kết viên mãn ấy, tỷ phú sinh năm 1957 đã mua 19 chiếc xe BMW i8 trị giá 100.000 bảng để thưởng cho những thành viên có đóng góp lớn cho chiến dịch này.
Điều đó đã khiến hơn 250.000 cổ động viên "Bầy cáo" đã xếp hàng để hô vang tên ông cùng cậu con trai Aiyawatt trong lễ diễu hành ăn mừng chức vô địch của đội bóng. Tỷ lệ đăng quang của Leicester City được nhà cái đánh giá hồi đầu mùa giải là 1/5000, song chính họ đã biến những con số này trở thành hư vô.
Các nhà sư Thái Lan đã được mời đến sân King Power để làm phép cầu may mắn cho đội bóng trong mùa giải họ đăng quang ngôi vô địch. |
"Thành công của Leicester là nhờ ông chủ Vichai. Ông ấy quan tâm đến các cầu thủ như một người cha với những đứa con của mình vậy. Ông ấy rất gần gũi với họ", Somyot Poompanmoung, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan đồng thời là người thân thiết với tỷ phú 61 tuổi hơn 30 năm nay - khẳng định.
Sau mùa giải năm đó, giá vé đến King Power đã tăng lên đôi chút để đóng góp phần nào cho dự án cải tạo sân vận động. Các cổ động viên khi ấy chẳng có vấn đề gì với quyết định này, bởi lẽ chủ tịch CLB vừa đưa họ chạm tới đỉnh của hạnh phúc với chiếc cúp bạc danh giá.
Chủ tịch người Thái thậm chí hào phóng chi tiền mua toàn bộ xúc xích, bia và bánh ngọt cho tất cả cổ động viên có mặt trên sân King Power để cùng chung vui trong ngày sinh nhật của mình.
Theo lời của những cổ động viên đội bóng áo xanh, tỷ phú Vichai luôn có mặt trên sân để theo dõi các trận đấu, bước xuống và bắt tay với người hâm mộ sau khi kết thúc. Ông thân thiện với tất cả mọi người, dù chỉ là những cổ động viên bình thường nhất.
Trong những năm tháng điều hành đội chủ sân King Power, Vichai cũng chi hàng triệu bảng cho những hoạt động từ thiện, xây dựng các CLB, bệnh viện và nhiều quỹ bảo hiểm cho trẻ em nơi đây. Mùa giải năm ngoái, ông thậm chí còn mua lại CLB OH Leuven ở giải vô địch quốc gia Bỉ, bổ nhiệm HLV Nigel Pearson vào ghế thuyền trưởng.
Leicester City đã vẽ nên câu chuyện cổ tích tuyệt vời mùa giải 2015/16 khi đăng quang ngôi vị quán quân tại Premier League trước 2 vòng đấu. |
Thảm kịch máy bay rơi và dấu hỏi về tương lai của CLB
"Tôi đã nhìn thấy nước mắt của các nhân viên CLB. Khu vực lễ tân khi đó không có gì ngoài những tiếng khóc". Đó là lời của nhà báo Ian Stringer, người đã có mặt tại hiện trường vụ máy bay rơi sau khi nhận được thông báo không lâu. Theo lời nhân chứng nơi đây, chiếc trực thăng rơi xuống bãi đậu xe của sân vận động "như một quả cầu lửa khổng lồ".
Tờ Daily Record tiết lộ gia đình tỷ phú Vichai thường xuyên di chuyển bằng chiếc trực thăng này để đến xem các trận đấu của Leicester City. Những cổ động viên "Bầy cáo" có lẽ đang ước rằng giá như tối hôm đó, ông chủ của họ không có mặt trên khán đài sân King Power, hoặc chí ít là đừng bước chân lên chiếc trực thăng này.
Sự cố đã xảy đến khi cánh quạt sau của máy bay bất ngờ ngừng hoạt động trên không trung. Chiếc trực thăng mất cân bằng, xoay nhiều vòng trước khi lao thẳng xuống đất và phát nổ.
Trước khi biết tin chủ tịch qua đời, các cổ động viên "Bầy cáo" đã xếp hàng dài bên ngoài sân vận động, đặt những ngọn nến, vòng hoa và không ngừng cầu nguyện, mong ông sống sót.
"Họ (Vichai và con trai) đã làm mọi việc một cách hoàn bảo. Họ mang đến cho chúng tôi mọi thứ và đưa Leicester tới chức vô địch. Bạn không thể yêu cầu nhiều hơn từ bất kỳ ông chủ nào", một cổ động viên trung thành của Leicester City gửi lời tri ân tới tỷ phú người Thái.
Chủ tịch Vichai sẽ luôn được nhớ đến như một vị cứu tinh, một con người tận hiến trong lòng các cổ động viên "Bầy cáo". |
Trên mạng xã hội, rất nhiều cầu thủ và đại diện đội bóng đã đăng tải những lời cầu nguyện cho vị chủ tịch đáng kính. Các phóng viên thậm chí còn bắt gặp thủ thành Kasper Schmeichel ở hiện trường vụ án với dòng nước mắt lăn dài trên má. Anh là người đầu tiên chạy tới nơi chiếc trực thăng rơi xuống.
Phép màu đã không xảy ra và trận đấu với West Ham là lần cuối cùng người hâm mộ Leicester được nhìn thấy vị chủ tịch đáng kính của họ nở nụ cười hiền hậu. "Ánh sáng của vinh quang và sự tiến bộ", theo đúng cái tên của tỷ phú người Thái Lan đã vụt tắt trên bầu trời sân King Power và vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Gần một thập kỷ, Vichai Srivaddhanaprabha đã đưa "Bầy cáo" từ một CLB vô danh trở thành biểu tượng cho nỗ lực vươn lên hoàn cảnh trong thời đại bóng đá bị chi phối bởi kim tiền. Leicester City đã viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình, một giai thoại không tưởng về chàng tí hon David đánh bại không chỉ một, mà nhiều gã khổng lồ Goliath.
Số phận đã bắc cầu nối cho Vichai tìm đến Leicester. Thế nhưng, định mệnh cũng thật nghiệt ngã khi tước đi của họ người chủ tịch tài năng một cách đầy đau đớn. Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian, song tương lai của đội chủ sân King Power liệu sẽ đi về đâu khi không còn "người đầu tàu" soi đường chỉ lối?