Trao đổi với Zing.vn bên lề Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 tổ chức sáng nay (8/5), ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết trong tương lai sẽ còn những tài sản đảm bảo cỡ lớn phải xử lý nợ xấu tương tự cao ốc Saigon One Tower hay khách sạn Bavico…
Còn những Saigon One Tower, khách sạn Bavico Đà Lạt khác
Chia sẻ về việc thời gian qua có nhiều tài sản đảm bảo với giá trị hàng nghìn tỷ đồng bị thu giữ và phát mại như cao ốc Saigon One Tower, khách sạn Bavico Đà Lạt hay 3 khu đất liên quan ông Trầm Bê… ông Nguyễn Tiến Đông cho biết các khoản nợ xấu hiện nay đều có kèm theo tài sản đảm bảo là bất động sản. Chủ đầu tư ban đầu khi triển khai dự án đến nay đã không còn nguồn lực để duy trì mới phát sinh nợ xấu.
Khách sạn Bavico Đà Lạt là tài sản đảm bảo khoản vay 456 tỷ đồng (gồm nợ gốc và nợ lãi)
của Công ty Bạch Việt với MBBank. Ảnh: ĐT. |
Với các tài sản này, nếu không thu giữ, không phát mại để chuyển cho chủ đầu tư mới thì tất cả tài sản sẽ nằm im, không có tiền để triển khai tiếp, gây lãng phí nguồn lực.
“Các ngân hàng là chủ nợ sẽ đứng ra thu giữ, phát mại để thu hồi vốn, rồi tiếp tục tái đầu tư. Chủ đầu tư mới vào dự án cũng sẽ đưa nguồn lực mới vào, như vậy sẽ tạo thêm rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế”, ông Đông nói.
Chủ tịch VAMC cũng cho rằng trong thời gian tới, khi tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, sẽ còn những tài sản đảm bảo với giá trị tương đương bị thu giữ và phát mại, để thu hồi nợ xấu.
Ngoài ra, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án 1058 về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu với mục tiêu đến năm 2020, ngành ngân hàng sẽ xử lý cơ bản nợ xấu và đưa về mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
“Không chỉ nợ xấu nội bảng các TCTD mà cả nợ xấu đã bán cho VAMC cũng phải xử lý cơ bản. Vì vậy, trong guồng quay sức ép lớn sẽ buộc phải xử lý”, ông Đông cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC. |
Từ đầu năm chưa mua thêm nợ xấu
Về hình thức xử lý nợ xấu hiện nay, ông Đông cho biết các TCTD thường ưu tiên tự xử lý nhiều hơn, nhưng với những ngân hàng khó khăn, được ban lãnh đạo duyệt, Thủ tướng duyệt thì sẽ được hỗ trợ.
“Riêng trong quý I, VAMC chưa mua thêm bất kỳ khoản nợ nào thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt đối với các TCTD. Ưu tiên hiện này là tập trung xử lý cái cũ chứ không phải mua mới”, ông Đông cho hay.
Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu đã hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Trong năm 2017, VAMC thu hồi hơn 35.000 tỷ đồng, trong khi 3 năm trước đó số nợ thu hồi mới đạt gần 50.000 tỷ.
“Trong vòng 1 năm mà thực hiện được gần một nửa của tổng 3 năm trước, rõ ràng có thể thấy hiệu quả từ Nghị quyết 42 mang lại là rất lớn”, ông Đông khẳng định.
Sẽ còn những Saigon One Tower, khách sạn Bavico bị thu giữ và phát mại để thu hồi và xử lý nợ xấu. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Đông cũng chia sẻ thêm từ trước đến nay quan hệ dân sự vay và trả, thường dễ phát sinh thành quan hệ hình sự, do đến hồi tất toán mà không thu hồi được đủ số nợ gốc và nợ lãi, gây thất thoát tài sản.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 đã cho phép các TCTD, VAMC thu giữ tài sản, bán dưới giá trị, tạo động lực rất lớn trong công tác xử lý, bản thân khách hàng cũng đã ý thức trả nợ hơn.
“Trước đây, 10 khách hàng có nợ xấu thì chỉ 1-2 người còn thiện chí làm việc, nhưng sau khi có Nghị quyết 42, ngân hàng mới có giấy mời lên làm việc đã có khách hàng mang tiền đến trả”, ông Đông cho hay.
Theo kế hoạch, từ năm 2018, VAMC sẽ hạn chế mua nợ xấu bằng việc phát hành trái phiếu đặc biệt, thay vào đó là phân loại các khoản nợ 10 tỷ trở lên và mua đứt bán đoạn. Trước đó, trong quý IV/2017, VAMC đã được cấp cho 2.000 tỷ và đã mua thị trường được 3.104 tỷ đồng đến nay cũng đã xử lý thu hồi được 3/4 theo giá thị trường.
Trong năm nay, đơn vị sẽ quay vòng 2.000 tỷ để mua thêm 3.500 tỷ đồng theo giá thị trường nữa. Hiện tại, Thủ tướng cũng đã phê duyệt tăng vốn VAMC lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2018, công ty sẽ thu hồi và xử lý 35.000 tỷ đồng.