Ông Ceferin công kích Super League. Ảnh: Reuters. |
Hôm 4/4 (giờ Hà Nội), ông Aleksander Ceferin tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch UEFA thêm 4 năm. Trong bài phát biểu sau khi tái đắc cử, ông Ceferin nhấn mạnh European Super League (ESL) vẫn là một “mối nguy hiểm" và coi Premier League là hình mẫu để các giải đấu khác noi theo.
"Ghen tị dẫn tới những quyết định tồi", ông Ceferin nói, "Trước đây, UEFA bị chỉ trích. Bây giờ, có vẻ như Premier League bị coi là quỷ ám và nên bị lật đổ. Kể từ khi Chính phủ Anh, những người hâm mộ và các CLB nói không với Super League, Premier League đã bị biến thành ác quỷ và bị coi là một Super League kiểu khác".
"Tuy nhiên, thành công của Premier League không phải ngẫu nhiên mà có. Bằng cách áp dụng một cách tiếp cận táo bạo dựa trên tầm nhìn, chiến lược và rất nhiều nỗ lực, các nhà lãnh đạo và CLB của giải đấu đã phát triển một mô hình dựa trên thành tích thể thao và phân phối tài chính theo chủ nghĩa bình đẳng. Premier League là một trong những hệ thống bình đẳng nhất trên thế giới. Thay vì một mô hình bị phá hủy, đây là một mô hình nên được noi theo", chủ tịch 55 tuổi kết luận.
Ceferin cho rằng sự thất bại tương đối của một số CLB Anh ở các giải châu Âu mùa này là bằng chứng cho thấy Premier League không hoàn toàn thống trị hay vượt trội so với đối thủ mặc dù giải đấu có lợi thế về mặt tài chính. Thay vào đó, Italy là quốc gia có nhiều đội góp mặt ở tứ kết Champions League và Europa League nhất.
Ceferin nói thêm: “Những người thúc đẩy dự án Super League tuyên bố rằng họ muốn cứu bóng đá. Thật tuyệt vời khi chưa từng có ai chết vì xấu hổ. Super League trở thành nhân vật trong Cô bé quàng khăn đỏ, đó là một con sói cải trang thành bà ngoại. Họ đang đùa ai vậy? Họ là những tập đoàn đứng trên chế độ dân chủ. Họ coi trọng tiền trên các danh hiệu".
Dự án Super League đang rục rịch trở lại. Ảnh: Reuters. |
Tháng 2 vừa qua, Real Madrid, Barcelona và Juventus được cho là đã liên hệ với hơn 50 câu lạc bộ để thông báo về những điều chỉnh của Super League so với hai năm trước.
Họ muốn thăm dò phản ứng của dư luận, đặc biệt là nhóm cổ động viên trung thành của những đội tại Serie A hay La Liga, các CLB ngày càng cảm thấy lép vế về tài chính so với Ngoại hạng Anh. Một cuộc cách mạng về giải đấu có thể giúp phần còn lại của bóng đá châu Âu thu hẹp chênh lệch tiền bạc với bóng đá Anh.
Telegraph nhận định top 6 CLB Ngoại hạng Anh không phản đối ESL và sẵn sàng tham gia nếu có cơ hội. Song họ không muốn gặp bất kỳ rủi ro nào ở đấu trường trong nước sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ công chúng Anh hai năm trước. Chính quyền Anh khi đó dọa trừng phạt nặng 6 CLB hàng đầu Premier League vì tham gia dự án ESL.
Lần trở lại này của ESL mang tính khéo léo hơn về mặt truyền thông khi họ hướng tới số đông CLB đang gặp vấn đề tài chính của châu Âu. Sự thay đổi về thể thức của giải đấu cũng mang đến cơ hội cho nhiều CLB nhỏ hơn.
Cuốn “The Italian Job” do cố danh thủ Gianluca Vialli viết chung với nhà báo nổi tiếng Gabriele Marcotti mang tới độc giả góc nhìn khác biệt về bóng đá Italy, nơi cuộc chơi được coi như đánh trận.