“UEFA không phải một tổ chức độc quyền”, Aleksander Ceferin nói với La Gazzetta dello Sport. "Bạn có thể tự do tham gia hoặc không. Bạn có thể tranh tài ở các giải đấu cúp của chúng tôi hoặc tổ chức của riêng bạn. Nhưng sau đó, việc bạn từ bỏ các giải đấu của UEFA liệu có hợp lý?"
"Dù phán quyết của tòa án ra sao thì cũng không có gì thay đổi. Super League đã chết vì không ai muốn tham gia cả. Tôi chỉ thấy 3 đội bóng tỏ ra giận dỗi những đội còn lại và lôi mọi người ra tòa", người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) chia sẻ.
Chủ tịch UEFA cho rằng Super League không còn tồn tại. |
Trước đó, Chủ tịch UEFA khẳng định: "Những người đứng đầu 3 CLB (Juventus, Barcelona, Real Madrid - PV) tin rằng Super League vẫn tồn tại giống như cách một số người tin rằng Trái Đất có hình phẳng vậy. Chính Barca, Real hay Juventus lại cùng lúc nộp đơn xin đá Champions League".
Chỉ 48 giờ sau khi Super League được khởi động vào tháng 4/2021, giải đấu này nhận rất nhiều phản đối từ UEFA, ban tổ chức các giải quốc nội và đặc biệt là người hâm mộ châu Âu. Đến nay, chỉ Juventus, Real Madrid và Barcelona còn giữ ý định tạo giải đấu kể trên.
Tờ Telegraph (Anh) khẳng định các đại diện Premier League không có ý định quay lại dự án Super League. Nguyên nhân chính cho việc này đến từ làn sóng tẩy chay quyết liệt của CĐV bản địa cũng như lời cảnh báo trừng phạt các CLB Premier League của Chính phủ Anh.
Tuy nhiên ngay cả khi dự án Super League bị khai tử, ông Ceferin và các cộng sự vẫn hứng chịu không ít chỉ trích từ dư luận. UEFA giữ tới 51% tiền trong gói bản quyền truyền hình mới trị giá 15 tỷ euro từ đối tác, theo The Times. Các CLB tham dự Champions League chỉ nhận 49% số tiền kể trên.
Ông Ceferin và các cộng sự đứng trước áp lực phải cải tổ giải đấu hàng đầu châu Âu cấp CLB. Ở mùa 2021/22, UEFA quyết định bỏ luật bàn thắng sân khách tại vòng knock-out Champions League. Từ mùa 2024/25, Champions League sẽ nâng số đội tham dự lên 36 với thể thức thi đấu có nhiều thay đổi.