Ông Huỳnh Đức Thơ, tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói như vậy về việc công khai email cá nhân. Ông Thơ nói:
- Từ ngày 26/2 tôi công bố email huynhductho@danang.gov.vn đến giờ, bình quân mỗi ngày tôi nhận được 40-50 thư điện tử của người dân. Có lúc tôi mở email đọc rồi xử lý, còn lúc tôi bận quá thì thư ký mở, in ra cho tôi đọc và xử lý ngay trong ngày.
Tương tác với dân
- Vì sao ông nghĩ đến việc công khai email cá nhân của mình?
- Theo kinh nghiệm, không phải xử lý công việc gì cho dân mình cũng cứng nhắc theo con đường hành chính. Ví dụ cái gì mình cũng bắt dân làm theo đúng quy định, họ phải gửi đơn từ, phải qua nhiều tầng nấc xử lý thì cũng khó cho dân lắm.
Đương nhiên về mặt quy định nhà nước thì mình phải làm. Nhưng tôi tin rằng có những thông tin mà nếu người ta phải viết đơn thư gửi đi gửi lại nhiều lần, qua nhiều tầng nấc có khi người ta thấy mệt mỏi và mất đi sự háo hức tham gia đóng góp.
Đơn thư liên quan đến lợi ích của dân họ gửi là đương nhiên rồi. Có những tâm tư nguyện vọng, sáng kiến của dân hoặc có những bức xúc đơn thư không thể giải quyết được thì có thể qua email người ta thổ lộ tâm tình, chân thật hơn mà rất gần gũi.
Điều quan trọng hơn, tôi cho rằng thông tin từ dân là “thông tin gốc”, họ phản ảnh kịp thời để mình đối chứng lại cách làm việc của bộ máy hành chính. Ví dụ một ông cán bộ báo cáo “mọi việc em đã giải quyết xong, rất nhanh, xong hết”, nhưng từ email đó mình coi thử họ xử lý như thế nào.
Ông Huỳnh Đức Thơ. |
Qua email mình tập trung lắng nghe dân, cũng là cách dặn dò cán bộ “anh phải làm cho cẩn thận đi, tôi không chỉ nghe mình anh đâu mà tôi nghe chỗ khác nữa. Cho nên làm gì đó anh phải trung thực, phải hết sức trách nhiệm”.
Quả thật tôi ngồi ở chỗ này, dân không dễ dàng vào gặp trực tiếp được vì phải qua nhiều cửa, nhưng khi tôi mở email là tôi nghe được tiếng nói người dân. Họ không vào được cổng ủy ban để gặp tôi trực tiếp thì tôi mở cửa email đón họ vào.
- Thưa ông, sau khi nhận thư điện tử của người dân, quy trình xử lý của ông như thế nào? Ông có thể dẫn chứng một vụ việc cụ thể?
- Khi mở email, tôi sẽ chuyển cho giám đốc sở hoặc chủ tịch UBND các quận huyện tùy theo chức năng, vụ việc. Tuy nhiên, nguyên tắc công việc, việc gì tôi chuyển đến là phải ưu tiên giải quyết trước. Và thực tế thời gian qua các vụ việc đã được xử lý rất nhanh.
Chẳng hạn ngày 15/3 tôi đang ngồi ở TP HCM dự họp hội đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM thì mở email ra. Một người dân báo ở số nhà 21 Đặng Chất (quận Liên Chiểu) lấn chiếm vỉa hè làm gara ôtô.
Vụ việc đã diễn ra năm năm nay, dân cũng đã phản ảnh nhiều cách nhưng vẫn không xử lý được. Lúc đó, tôi gọi điện cho chủ tịch quận yêu cầu kiểm tra và xử lý ngay.
Đúng y như vậy, chỉ ngay sau đó quận đã cho quân ra yêu cầu tháo dỡ, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người dân đi lại. Khi chủ tịch quận báo xử lý xong rồi, tôi mới gửi email lại cho người dân đó, nói là chính quyền đã xử lý xong vụ việc, yêu cầu bà con kiểm tra lại có đúng hay không?
Quả thật là chỉ giải quyết vụ việc nhỏ nhưng dân rất hài lòng.
Xử lý nhanh thì nhanh “lành”
- Có ý kiến cho rằng khi giải quyết vấn đề gì ông luôn làm sự việc nóng lên, vì sao ông lại chọn cách giải quyết theo hướng này?
- Mình cứ luôn luôn làm công việc nóng lên thì mọi người sẽ quan tâm. Đối với các công việc dân phản ảnh bình thường, thường kỳ thì xử lý theo quy trình, chứ việc nóng là xử lý ngay, rốt ráo.
Ví như phát hiện xây dựng một căn nhà trái phép thì yêu cầu phải xử lý ngay và báo cáo ngay trong hôm sau. Với việc nào gấp, tôi chuyển email cho người có trách nhiệm rồi nhưng tôi vẫn điện thoại trực tiếp đốc thúc anh em.
Thực tế khi vụ việc quan trọng, khẩn cấp thì tôi phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc, theo dõi kiểm tra thì nó sẽ tốt. Còn mình thấy việc đó quan trọng mà giao hết cho anh em cấp dưới, không kiểm tra nhắc nhở, mình không trực tiếp điện thoại, giám sát thì anh em làm không theo mong muốn của mình được, xử lý chậm, kéo dài sẽ làm nhân dân bức xúc.
- Khi nhận chức chủ tịch, ông có nói với người dân “tôi không được phép làm thua người tiền nhiệm”, điều này nên hiểu như thế nào, thưa ông?
- Tôi nói mình không được phép làm thua, ý không phải là mình muốn vượt, muốn hơn những người đi trước, bởi vì thực tế mình có muốn làm hơn cũng không được. Nhưng “không làm thua” ở đây có nghĩa là mình đừng có phụ lòng người đi trước, người tiền nhiệm đã xây dựng, đặt cơ sở cho sự phát triển của Đà Nẵng có được diện mạo như hôm nay.
Là người đi sau nhận trách nhiệm, mình phải hết sức cố gắng và luôn cầu thị. Nếu mình làm tốt thì người dân sẽ đánh giá đúng, còn mình làm dở thì đừng hòng giấu được. Anh đã làm dở rồi mà cố thổi anh lên thì kệch cỡm, xấu hổ lắm.
Dân đồng tình
Sáng 22/3, đoạn vỉa hè trước số nhà 21 Đặng Chất (quận Liên Chiểu) đã được trả lại thông thoáng cho người dân đi lại như ông Huỳnh Đức Thơ nói. Toàn bộ việc cơi nới xây dựng lấn chiếm vỉa hè đã được chủ nhà cho tháo xuống, một người thợ cũng đang trộn ximăng để lấp lại các chỗ bị lồi lõm trên vỉa hè.
Chủ nhân đang quản lý ngôi nhà số 21 vui vẻ nói: “Dân ở gần đây họ chụp ảnh rồi gửi email lên ông chủ tịch TP, sau đó quận xuống yêu cầu tôi tháo ra trả lại vỉa hè thì tôi sẵn sàng chấp hành ngay. Nhưng tôi mong rằng sau này các hộ khác cơi nới ra vỉa hè để buôn bán cũng phải được xử lý như tôi, cũng phải tháo dỡ”.
Ông Nguyễn Văn Khánh, đội phó đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, cho biết vừa qua có nhiều công việc người dân phản ảnh trực tiếp qua email lên chủ tịch TP liên quan đến trật tự đô thị. Sau đó, theo chỉ đạo của chủ tịch quận đã kiểm tra và xử lý nhanh, người phản ảnh sự việc rất hoan nghênh, còn người bị xử lý cũng tỏ thái độ đồng tình.