Ngày 24/7, UBND TP đã chỉ đạo Sở TNMT phải hoàn chỉnh "Kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đến năm 2025" trong tháng 7.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt, sở cần xây dựng những thủ tục cần thiết, làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong việc giải quyết các thủ tục.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bức xúc bởi dự án đốt rác phát điện chậm triển khai. Ảnh: Quang Huy. |
Bên cạnh đó, chủ đầu tư tham gia các dự án trong kế hoạch cần đảm bảo việc hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm hệ thống đốt rác phát điện trước tháng 9/2020.
UBND TP.HCM yêu cầu hệ thống này phải đi vào hoạt động trước tháng 12/2020 và xử lý được khoảng 50% khối lượng rác sinh hoạt của TP bằng công nghệ đốt phát điện.
UBND TP.HCM cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung các hạng mục cho Dự án Vệ sinh Môi trường TP.HCM - giai đoạn 2.
Kinh phí đầu tư bổ sung sẽ được lấy từ nguồn vốn ODA kết dư sau đấu thầu của chính dự án này.
Trong số các hạng mục được chấp thuận bổ sung, hạng mục xử lý bùn thải trên địa bàn TP bằng công nghệ hiện đại được đặt ưu tiên hàng đầu. 2 hạng mục được sử dụng vốn kết dư đầu tư thêm là Trung tâm học tập môi trường ELC và hệ thống điện năng lượng mặt trời bên trong Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Các hạng mục thoát nước mưa, thu gom nước thải, nạo vét, kiên cố hóa các tuyến rạch đang bị ô nhiễm trong phạm vi dự án cũng được UBND TP chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư bổ sung.
Dự án Vệ sinh Môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2013, có thời hạn từ năm 2014 đến năm 2019 nhưng không thể hoàn thành kịp tiến độ.
Mục tiêu dài hạn của dự án nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân TP.HCM và khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.