Chiều 11/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp năm 2021.
Nhiều chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1-2 ngày
Báo cáo một số kết quả giám sát, ông Phan Văn Vượng (Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật) cho biết các chủ tịch UBND cấp tỉnh cơ bản đã tổ chức tiếp công dân định kỳ. Chủ tịch UBND một số địa phương chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng, các chủ tịch tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, theo thống kê, đa số chủ tịch UBND cấp tỉnh không bảo đảm quy định của Luật Tiếp Công dân khi bình quân số ngày tiếp công dân chưa đạt 50% theo quy định.
“Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1-2 ngày, thậm chí có người không tiếp dân ngày nào”, ông Vượng nhấn mạnh.
Hội nghị góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp năm 2021. Ảnh: MTTQ Việt Nam. |
Theo thống kê chi tiết, ngày tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh trên toàn quốc là 471 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định. Chỉ có chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Ninh Thuận tiếp dân đủ 18 ngày/18 tháng. 45 chủ tịch tỉnh đạt tỷ lệ tiếp dân 71% và 13 chủ tịch tỉnh đạt một nửa số ngày theo quy định.
Đáng chú ý, trong suốt 18 tháng, có 5 lãnh đạo cấp tỉnh chỉ tiếp dân 1 ngày và chủ tịch các tỉnh Bình Dương, Đắk Nông, Thừa Thiên - Huế và TP.HCM không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng.
Tại nhiều địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho phó chủ tịch hoặc chánh thanh tra tỉnh, trưởng ban tiếp công dân tiếp dân thay.
Từ kết quả giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư chỉ đạo Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Việc ban hành biện pháp, chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc giải quyết chậm, gây bức xúc cũng được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị.
Người tham gia tiếp dân không thể vô cảm
Ông Đỗ Duy Thường (Phó chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật) nêu thực tế tỷ lệ khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai là lớn nhất, điển hình như vụ Thủ Thiêm (TP.HCM) người dân rất bức xúc, gây nhức nhối trong xã hội.
“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện ngay từ cơ cở, cấp xã không đùn đẩy lên cấp huyện, cấp huyện không đùn đẩy lên cấp tỉnh, cấp tỉnh không được đùn đẩy lên Trung ương. Nhưng hiện nay chúng ta lại tổ chức ngược, gây bức xúc trong nhân dân”, ông Thường nói.
Người dân Thủ Thiêm gặp gỡ cán bộ của Thanh tra Chính phủ tại buổi tiếp dân của lãnh đạo TP.HCM hồi tháng 11/2018. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban Tiếp dân Trung ương) cho rằng việc nhiều chủ tịch tỉnh không tổ chức tiếp dân một cách nghiêm chỉnh khiến rất nhiều đoàn đông người mang theo những bức xúc tìm đến Ban Tiếp dân Trung ương để khiếu nại.
“Người tham gia tiếp dân không thể tiếp một cách vô cảm. Nếu vô cảm người dân sẽ không nghe. Đây là lý do mà Ban Tiếp dân Trung ương lúc nào cũng đông người tìm đến. Nguyên nhân của việc này có thể là do địa phương không giải quyết kịp thời các bức xúc, chưa tổ chức đối thoại với người dân”, ông Điệp chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Lê Thị Nguyệt (Phó trưởng Ban Dân nguyện) cho rằng cán bộ tiếp công dân phải là người có trách nhiệm, được đào tạo bài bản. Ngay cả cách nói, cách phúc đáp cũng phải hợp tình, hợp lý thì mới mong giải quyết được khiếu nại, tố cáo.