Sáng 18/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có bài phát biểu tâm huyết hơn một giờ tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ. Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo thành phố trải lòng về vấn đề nhân sự và quá trình thực hiện nhiều kế hoạch, đề án của thành phố.
"Cán bộ nộp đơn xin nghỉ, tôi rất buồn"
Trong bài phát biểu cuối hội nghị, ông Phong tâm sự thời gian vừa qua, một số cán bộ chủ chốt xin nghỉ hoặc chuyển công tác là việc thành phố không mong muốn. Nhưng đó đều là những trường hợp có hoàn cảnh riêng. Chủ tịch Phong kể khi nhận đơn xin chuyển công tác của cán bộ, điều mà ông rất quan tâm và luôn hỏi cán bộ là môi trường công tác ở thành phố thế nào.
Ông nêu ví dụ trường hợp Phó giám đốc Sở Du lịch Võ Thị Ngọc Thúy có hoàn cảnh riêng nên xin nghỉ, dù ông đã gặp nhiều lần và động viên nhưng không được vì liên quan chuyện gia đình. Tương tự, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) Nguyễn Việt Hòa cũng xin nghỉ vì phải chăm lo cho bố mẹ đang bệnh tại Nha Trang.
"Mỗi lần cán bộ thành phố nộp đơn xin nghỉ là tôi rất buồn. Tôi đặt vấn đề, hỏi tại sao, lý do. Tất nhiên mỗi người có hoàn cảnh riêng, không khắc phục được thì phải chấp thuận", Chủ tịch Phong trải lòng.
Qua đó, người đứng đầu thành phố hy vọng các cán bộ đương nhiệm phải cố gắng xây dựng một môi trường công tác thân thiện, chia sẻ.
"Các vấn đề xảy ra thời gian vừa qua đã cho mình rất nhiều bài học. Nhưng vấn đề sắp tới là phải làm minh bạch, rõ ràng, trên cơ sở đúng quy định. Đó cũng là điều kiện để làm tốt nhiệm vụ, chứ không phải vì một vài trường hợp làm chúng ta chùn bước", lãnh đạo thành phố nhắc nhở.
Toàn cảnh hội nghị duyệt kế hoạch 2021 của Sở Nội vụ. Ảnh: Thu Hằng. |
Nói về cơ chế thu nhập tăng thêm cho cán bộ, Chủ tịch Phong đặt đầu bài cho Sở Nội vụ nghiên cứu việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ. Bởi lẽ, cách làm này vừa giúp nâng thu nhập của đơn vị sự nghiệp, vừa có điều kiện để nâng lương cho công chức.
Ông Phong kể lại vài năm trước, ông từng nghe thông tin quỹ lương cho cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên chỉ chiếm 9,6% tổng quỹ lương quốc gia, còn quỹ lương sự nghiệp, lương viên chức là 33-35%. Đến nay, số liệu này vẫn không thay đổi quá nhiều. Do đó, ông Phong cho rằng cách giải quyết căn cơ nhất là giảm bớt lương cho đơn vị sự nghiệp để nâng lương cho công chức.
Chủ tịch nêu ví dụ Bệnh viện Thủ Đức là đơn vị sự nghiệp tự chủ thành công và nâng thu nhập cán bộ lên rất cao. Ông nhắc nhở các đơn vị sự nghiệp không nên dựa vào ngân sách mà cần phát huy tính tự chủ, nếu không sẽ không thu hút được người giỏi về.
"Phải có cơ chế làm sao mà người ta thấy rằng một đề tài khi tham gia với viện nghiên cứu thì ít nhất bình quân một tháng cũng phải được 40-50 triệu", ông Phong nêu quan điểm.
Đề xuất thuê giám đốc quản lý doanh nghiệp Nhà nước
Về nhiệm vụ năm 2021, ông Phong nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng TP Thủ Đức. Ông cho biết vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp, lắng nghe ý kiến của Bộ Nội vụ và chuẩn bị ban hành nghị định hướng dẫn Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
"Hôm rồi, chúng ta kiến nghị TP Thủ Đức có 4 phó chủ tịch nhưng không được vì phải theo luật, thẩm quyền Thủ tướng cũng không quyết được. Số lượng biên chế phải theo cơ sở hiện nay chứ không được tăng", ông Phong cho hay.
Lãnh đạo thành phố cho biết dự kiến, đề án cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức sẽ được báo cáo lên Quốc hội khóa tới (sau bầu cử). Do đó, UBND TP.HCM phải phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức trong quá trình đợi cơ chế đặc thù đi vào vận hành.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức. Ảnh: P.A. |
Đối với vấn đề nhân sự, ông Phong cho biết sau khi có một số biến động trong nhân sự doanh nghiệp Nhà nước, việc tìm người mới rất khó khăn. Trước tình hình đó, ông chỉ đạo Sở Nội vụ đề xuất thuê giám đốc cho các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Phong sẽ báo cáo và xin ý kiến Thường vụ về đề xuất này.
"Vốn là Nhà nước nhưng tôi thuê. Cái này không phải đơn giản nhưng cứ đề xuất một cơ chế, cứ mạnh dạn đi", ông Phong khuyến khích.
Theo lãnh đạo thành phố, việc quản lý khối doanh nghiệp Nhà nước đòi hỏi yêu cầu quản trị và nghệ thuật quản lý quy mô lớn. Một số trường hợp cán bộ đang công tác trong cơ quan Nhà nước hay Đảng bộ được chuyển sang làm tổng giám đốc, nhiều người lo lắng vì rủi ro nhưng tổ chức phân công nên vẫn phải nhận nhiệm vụ.
Nói về năm 2020, Chủ tịch Phong nhận định công tác cải cách hành chính tại TP đã có chuyển biến tốt nhưng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để khẩn trương giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Tôi đề nghị các đồng chí, trước hết là người đứng đầu, phải hết sức nỗ lực trong cải cách hành chính, nơi nào người đứng đầu quyết liệt thì nơi đó sẽ có chuyển động. Chính sự quyết liệt, quyết tâm đó truyền cảm hứng cho bên dưới. Còn nếu chúng ta không có hành động quyết liệt thì từ lời nói đến hành động sẽ là con đường rất xa", ông Phong quán triệt.
Nhắc lại những đề án của TP.HCM được Chính phủ và Quốc hội phê duyệt năm 2020, Chủ tịch TP.HCM ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ đã làm việc bất kể giờ giấc để hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, ông khẳng định quyết tâm chính trị phải thể hiện bằng hành động cụ thể, kiên trì đeo bám tới khi có kết quả.