Chiều 11/10, bên lề hội thảo Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thủ tướng vừa đồng ý cho phép TP xây 3 bệnh viện, đặt tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.664 tỷ.
Vốn đầu tư xây dựng sẽ từ ngân sách của TP. Tổng mức đầu tư của Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức là 1.915 tỷ; Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn là 1.895 tỷ; và Bệnh viên đa khoa khu vực Củ Chi là 1.854 tỷ.
Cả ba sẽ cùng có khu khám điều trị ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, khu hành chính hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ đảm bảo công suất quy mô 1.000 giường, khu điều trị nội trú 500 giường bệnh.
Ba dự án xây dựng bệnh viện này sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2018, đến năm 2023 đưa vào khai thác sử dụng.
Những ngày đầu tháng 10/2018, dịch bệnh bùng phát khiến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) lúc nào cũng quá tải. Ảnh: Liêu Lãm. |
Theo ông Thành Phong, mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng các bệnh viện hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ hiện đại, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành.
Việc này cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực có bệnh viện và các vùng lân cận.
Không vì nhà hát mà ngừng xây bệnh viện, trường học
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trả lời câu hỏi về việc TP chi hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch tại Thủ Thiêm (quận 2).
Ông Phong cho biết kỳ họp HĐND TP vừa qua chủ yếu để đưa ra các nghị quyết về cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó có nói cho phép TP được thực hiện các dự án đầu tư nhóm A, đáng lý ra với những dự án này phải xin ý kiến Thủ tướng nhưng nghị quyết đã giao quyền này về cho HĐND TP.
"Trong các dự án nhóm A trên 1.000 tỷ đồng vừa rồi cũng đã được thông qua, trong đó có dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng", người đứng đầu UBND TP nói.
Cận cảnh khu đất xây nhà hát ở Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân. |
Trước những ý kiến cho rằng thành phố nên dành số tiền 1.500 tỷ để đầu tư các công trình phúc lợi cấp bách hơn như bệnh viện, chống ngập, xây cầu đường giảm kẹt xe, ông Phong khẳng định các công việc đó với xây nhà văn hóa khác nhau hoàn toàn.
TP.HCM là trung tâm kinh tế, lâu nay thành phố cũng đã đầu tư rất nhiều tiền vào hạ tầng giao thông cầu, đường, trường học, bệnh viện... nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể. Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa.
"Không phải vì đầu tư nhà hát mà TP phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ TP vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TP.HCM đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện... Nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan", ông Phong nói.
Ý kiến trái chiều
Trước đó, chia sẻ với Zing.vn, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng dự án xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch của TP.HCM là một bước đi táo bạo trong quá trình thay đổi diện mạo và tạo dựng những giá trị biểu tượng cho thành phố mang tên Bác. Thậm chí, ông còn cho rằng việc triển khai dự án vào lúc này là muộn chứ không phải sớm.
Tuy nhiên, TP chưa chuẩn bị cho người dân một tư tưởng sẵn sàng để đón nhận dự án nhà hát theo cách tích cực trong khi đây là công trình mà UBND thành phố đã ấp ủ từ 20 năm về trước.
Có cùng nhận định việc xây một nhà hát đúng chuẩn tại đô thị lớn như TP.HCM là cần thiết, và Thủ Thiêm cũng là vị trí phù hợp, nhưng kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn băn khoăn liệu quyết định từ HĐND đưa ra có vội vàng. Ông cho rằng 1.500 tỷ là số tiền lớn, làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền lớn này cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Ngoài ra, muốn TP.HCM phát triển thì chắc chắn Thủ Thiêm - nơi chọn để xây dựng nhà hát, cũng phải phát triển theo. Nhưng hiện tại, xây dựng nhà hát không là yếu tố quan trọng giúp kích thích phát triển Thủ Thiêm bằng việc dùng ngân sách đó đầu tư vào hạ tầng.
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng bàn việc xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch vào thời điểm này là không hợp lý vì liên quan tới khu đô thị Thủ Thiêm. Nói thêm về chủ trương của thành phố, ông Khuê cho biết nhà hát chỉ là một trong tổ hợp công trình văn hóa sẽ xây dựng tại Thủ Thiêm, bên cạnh trung tâm triển lãm, quảng trường, cơ sở tôn giáo, di sản kiến trúc...
Ông Khuê cho biết thêm sau khi HĐND thông qua việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đặt tại Thủ Thiêm, các cơ quan liên quan sẽ xúc tiến việc thành lập hội đồng, tổ chức cuộc thi kiến trúc, chọn hội đồng chấm xét, đối chiếu quy hoạch...
"Với những ý kiến trái chiều của cử tri, lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe, cầu thị, suy xét, tính toán sao cho hợp lý. Thành phố tôn trọng ý kiến của các cử tri, thậm chí với những ý kiến nhiều chiều", ông Khuê chia sẻ.
Dự án 25 năm, 3 lần đổi địa điểm
Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được thành lập từ năm 1993. Nhưng đến năm 1999, TP.HCM mới có ý định xây tại khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Tuy nhiên, địa điểm này bị cho là không phù hợp để xây công trình nghệ thuật.
Năm 2012, chính quyền thành phố quyết tâm khởi động lại việc xây nhà hát, chọn vị trí trong Công viên 23 Tháng 9. Nhà hát dự kiến có tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, rộng 1,2 ha bao gồm 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ; hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành. Công trình được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão - khu đất vàng của thành phố. Tuy nhiên, chủ trương này của thành phố tiếp tục gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Tháng 8/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu ký quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2) là địa điểm xây nhà hát.
Cuối tháng 9/2018, UBND TP.HCM chính thức có tờ trình gửi HĐND TP.HCM xin thông qua chủ trương. Ngày 8/10, HĐND TP.HCM họp phiên bất thường, thông qua chủ trương xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch.