Sáng 10/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức buổi họp khẩn dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM. Buổi họp diễn ra trong ngày cả nước có 78 ca mắc Covid-19 mới ở nhiều địa phương, trong đó có ca bệnh liên quan tới địa bàn TP.HCM.
"Tôi rất lo trước tình hình hiện tại. Thành phố dù đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua và chỉ phát hiện 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta không được phép lơ là trước hàng loạt nguy cơ hiện hữu", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
4 nguy cơ xâm nhập dịch vào TP.HCM
Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết nguy cơ lây lan dịch Covid-19 đầu tiên tại thành phố là các khu cách ly tập trung. Tình huống này yêu cầu 41 khu cách ly ở khách sạn cùng 350 khu cách ly quân đội, 24 khu cách ly tại quận, huyện phải tập trung rà soát, đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nguy cơ xâm nhập dịch thứ 2 của TP.HCM là từ các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn. Đây là nơi tập trung số lượng rất lớn bệnh nhân và thân nhân từ các tỉnh thành.
"Những nguy cơ còn lại của TP.HCM là tình trạng nhập cảnh trái phép luôn hiện hữu. Ngoài ra, thành phố cần đặc biệt lưu ý đến số lượng người dân trở về sau dịp lễ, đặc biệt về từ những khu vực đã có ca mắc Covid-19", ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn là rất lớn. Ảnh: Quang Huy. |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh mật độ người dân đến và đi qua địa bàn TP.HCM là rất lớn. Khả năng xâm nhập mầm bệnh Covid-19 từ các địa phương có dịch là rất cao.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố lưu ý ngành y và chính quyền các địa phương cần đặc biệt chú trọng đến việc giám sát sức khỏe người sau cách ly tập trung. Thời gian qua, nhiều trường hợp trên địa bàn cho thấy người sau cách ly tập trung với 3 lần âm tính vẫn có khả năng mắc Covid-19.
"Tình hình này không cho phép chúng ta bằng lòng với kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu không tiếp tục theo dõi nghiêm người sau cách ly, chúng ta sẽ phải trả giá. Biến thể của virus SARS-CoV-2 đã khác xưa rồi", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế, các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn, lãnh đạo chính quyền TP.HCM thông tin các lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp đi kiểm tra việc phòng dịch ở từng nơi.
Lên phương án điều trị 5.000 ca mắc
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y trên địa bàn đã kích hoạt lại tất cả bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực. Để mở rộng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, 200 tổ Covid-19 cộng đồng đã được thành lập.
Sở Y tế cũng huy động sinh viên các khoa y tế công cộng, sinh viên năm cuối của trường y để sẵn sàng cho tình huống cần lấy mẫu, truy vết trên quy mô lớn. Thành phố cũng sẵn sàng năng lực 15.000 xét nghiệm mỗi ngày và sẽ nâng lên thành 40.000 thời gian tới.
"Đối với việc điều trị, thành phố đã có kế hoạch điều trị cùng lúc đối với 50, 100 và trên 200 bệnh nhân. Hiện nay, Sở Y tế đang lên phương án cho việc điều trị cho hơn 5.000 người", ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực liên quan ca tái dương tính với SARS-CoV-2 tại TP.HCM. Ảnh: Quang Huy. |
Tại buổi họp, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong tình hình chuỗi lây nhiễm liên tục xuất hiện tại các tỉnh thành, HCDC kêu gọi ý thức người dân trong việc khai báo y tế khi về địa bàn.
"HCDC liên tục cập nhật nhưng không thể chắc chắn 100% về lịch trình người về thành phố. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức người dân, tổ Covid-19 cộng đồng cần phát hiện sớm những người về từ vùng dịch và ổ dịch", Giám đốc HCDC nhấn mạnh.
Sau khi phát hiện một ca mắc Covid-19 tại quận Bình Tân hôm 29/4, TP.HCM quyết định tạm dừng các hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường.
Từ 18h ngày 3/5, TP.HCM tạm dừng thêm hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp phim, trò chơi điện tử...
Ngày 6/5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn thông báo việc tạm ngưng các hoạt động dạy học, giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp từ ngày 10/5.
Ngày 7/5, TP.HCM tạm dừng một số hoạt cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà (gym, yoga...), trung tâm nhà hàng tiệc cưới, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo hình thức buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, các sự kiện hoạt động tập trung trên 30 người nơi công cộng cũng không được tổ chức.
Tính đến 10/5, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM là 267 người, 243 trường hợp đã khỏi bệnh, 24 người tiếp tục được điều trị. Thành phố đang áp dụng biện pháp cách ly tập trung với 3.267 người, 611 trường hợp đang cách ly, giám sát sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.