Chiều 27/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có cuộc họp khẩn với các sở ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn để bàn các giải pháp cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông.
Tốc độ lưu thông trong thành phố giảm
Tại cuộc họp, ông Phong đề nghị trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần phải xem xét giải pháp nào trước mắt có thể kéo giảm ùn tắc thì đề xuất và làm ngay.
Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, các tuyến đường của thành phố hiện nay đã trở nên quá tải, mật độ phương tiện đông và ngày càng gia tăng, vận tốc lưu thông ngày càng giảm đi và di chuyển khó khăn.
Tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm thành phố trong tháng 12 tiếp tục giảm giảm so với tháng 11 (giờ cao điểm sáng là 19 km/h, giảm 9,5%, giờ cao điểm chiều là 18 km/h, giảm 5,2%).
Các vụ ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên hơn, tính đến cuối năm 2016 có 37 vị trí thường xuyên ùn tắc (tăng 11 vị trí so với năm 2015)…
Đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra nghiêm trọng và nếu không có giải pháp quyết liệt trước mắt và lâu dài thì sẽ “vô phương”.
Đại tá Trần Đức Tài phát biểu tại cuộc họp. |
Về lâu dài cần phải tính lượng người, diện tích đường, đưa ra chế tài quản lý nhà nước, hạn chế xe cá nhân, các điều kiện đăng ký mới xe ôtô và xe gắn máy…
Mỗi ngày, TP.HCM có thêm 200 ôtô, 800 xe máy đăng ký mới, cộng với lượng phương tiện ngoại tỉnh thì hiện toàn thành phố đang có hơn 10 triệu phương tiện. Bởi vậy, ùn tắc giao thông là điều tất nhiên.
Trước mắt, đại tá Tài đề xuất, tại các công trường, đơn vị thi công phải có trách nhiệm cử người ra điều tiết giao thông.
Cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức giao thông, việc này làm lâu dài nhưng trước mắt cần phải tập trung tuyên truyền trước Tết Nguyên đán.
Dự báo từ nay đến Tết tình hình lấn chiếm lòng lề đường sẽ còn phức tạp nên việc này các quận huyện phải quyết liệt hơn nữa.
Đặc biệt, các ngành chức năng cần phải làm tốt công tác dự báo thời gian, địa điểm, các tuyến hay ùn tắc… để bố trí trước lực lượng chứ không đợi ùn tắc mới điều người tới giải quyết.
Quận, huyện chưa quan tâm đến đảm bảo trật tự lòng lề đường
Trong khi đó, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường cho rằng ùn tắc giao thông cũng có một phần là do các quận, huyện chưa quan tâm đến đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè, và còn xem đó là việc của thành phố.
Ông Tường đề nghị chính chủ tịch các quận huyện phải vào cuộc chứ không giao cho cấp dưới nữa.
Phân tích thời gian ùn tắc và tai nạn cho thấy có sự khác nhau về khung giờ nên các lực lượng phải bố trí phân công hợp lý.
Về hiện tượng lô cốt mọc lên nhiều vào cuối năm gây ùn tắc, ông Tường đề nghị cần phải chấn chỉnh ngay.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đề nghị trong năm 2017, ngành giao thông phải hoàn thành 34 công trình đã lên kế hoạch.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong thúc giục cần có giải pháp đối với vấn đề ùn tắc giao thông. |
Ông Khoa đánh giá 159 tuyến đường đăng ký đảm bảo trật tự lòng lề đường vỉa hè “không có chuyển biến” và sắp tới các quận, huyện cần phải khắc phục ngay.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành cần phải nghiên cứu đề án “lệch ca – lệch giờ” và sau Tết Nguyên đán báo cáo kế hoạch để triển khai.
Cần phải nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, hướng đến khách hàng là sinh viên và việc này có thể để các trường nghiên cứu xây dựng các tuyến xe đưa đón sinh viên học sinh.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng ùn tắc giao thông gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Với trách nhiệm quản lý, các sở, ngành, quận huyện phải thực sự vào cuộc, làm quyết liệt hơn nữa, phối hợp tốt hơn nữa…
Cần phải nâng cao ý thức người dân bằng nhiều hình thức, có chế tài xử phạt nặng các xe đậu, đỗ trái phép, lặp lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè.
Xử lý dứt điểm xe dù, bến cóc, phân luồng lại giao thông phải hợp lý.
Cần phải xử lý nghiêm các vi phạm về rào chắn, quản lý tốt lượng xe taxi, các loại hình grab, uber, nghiên cứu phát triển giao thông thủy để giảm tải cho đường bộ, duy tu các tuyến đường đã xuống cấp, nghiên cứu triển khai các bãi đổ xe trên cao thông minh như trong sân bay Tân Sơn Nhất…
Các sở ngành phải thực sự vào cuộc, tập trung quyết liệt các giải pháp để có chuyển biến trong thời gian tới.