Sáng 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay, địa phương này đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.
Việc hạn chế ra đường sau 18h được thực hiện nghiêm
Trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân TP.HCM phát hiện hơn 3.300 ca mắc/ngày. Trong đó, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.
TP.HCM đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân; đang điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 875 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.
TP đang cách ly tập trung 12.380 người và cách ly tại nhà 37.800 người; thành lập 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với 46.000 giường. Với tầng 5 là nặng và rất nặng - đang điều trị 570 bệnh nhân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HMC. |
Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận xét việc hạn chế ra đường từ sau 18h được thực hiện nghiêm.
Tuy nhiên, từ 6h đến trước 18h, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết. TP.HCM đã siết chặt các khu phong tỏa, nhanh chóng xét nghiệm đưa người có nguy cơ cao đi cách ly.
Ông Phong nhận định chung, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại. Hiện, TP chỉ tăng bình quân 1,5 lần /ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15.
"Dù tốc độ chậm lại, tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hàng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Để kiểm soát được dịch có thể mất hàng tháng nên có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8", Chủ tịch Phong cho hay.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để Chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6h đến 18h.
Không để chậm trễ trong vận chuyển F0 chuyển nặng
Ông Phong cho biết TP.HCM sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng sớm, tránh chuyển biến nặng, tăng điều trị tầng 3, 4, 5, rút ngắn thời gian điều trị F0. Sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực y tế cho phù hợp, trong đó bố trí các y bác sĩ giỏi để đảm bảo hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời vận hành hiệu quả trung tâm cấp cứu 115, không để chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ đưa vào vận hành 200 taxi chuyển công năng và 100 xe cứu thương; thành lập 4 trung tâm cấp cứu vệ tinh ở quận Bình Tân, Bình Chánh, quận 12 và TP Thủ Đức để điều phối nhanh chóng bệnh nhân.
TP.HCM tăng cường nhiều biện pháp để đảm bảo không chậm trễ trong chuyển F0 trở nặng. Ảnh: Duy Hiệu. |
TP cũng mở thêm các kênh thông tin, mở rộng mạng lưới bác sĩ tư vấn tình nguyện trực tuyến, để khi người dân cần tư vấn về sức khỏe có thể liên lạc.
Ông Phong khẳng định TP.HCM đảm bảo hàng hóa, phân phối hàng hóa bằng nhiều hình thức, từng bước mở lại chợ truyền thống đảm bảo an toàn, tăng cường lực lượng vận chuyển và bán hàng lưu động.
Về vaccine, ông Phong cho biết, kể từ ngày 22/7 đến nay TP.HCM đã tiêm được hơn 390.000 liều, lũy kế đến nay đã tiêm được 1,3 triệu lượt. Ông nhấn mạnh TP.HCM sẽ tổ chức nhận, mua và tiêm vaccine nhanh nhất theo kế hoạch, đơn giản hóa quy trình, mở rộng khung giờ tiêm vaccine.
TP.HCM cũng đẩy mạnh sản xuất an toàn theo mô hình 3 tại chỗ, với hơn 2.000 doanh nghiệp thực hiện với 100.000 lao động.
TP.HCM đã công bố 2.833 điểm bán hàng hóa, tổ chức 1.000 điểm bán hàng lưu động, 1.000 điểm bán hàng theo chuỗi cung ứng linh hoạt, 24 mô hình siêu thị 0 đồng, huy động mạnh mẽ đường dây nóng 1022 để hỗ trợ người dân…
Với 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TP.HCM đã hỗ trợ được 496.000 đối tượng với số tiền 572 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lao động tự do đạt 100%. Cùng với đó, các địa phương cũng hỗ trợ 334 tỷ đồng từ nguồn vận động.