Nói tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi cho biết cảm thấy “chạnh lòng”.
Lý do được ông Chi đưa ra là sau Nghị định 131/2018 của Chính phủ được ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời, việc bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về siêu Ủy ban “rất nhanh” và “gọn”.
“Chúng tôi nghĩ cũng chạnh lòng. SCIC cũng có nghị định của Chính phủ, cũng có quyết định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng và các phó thủ tướng, nhưng đến nay còn 35 doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương lẽ ra phải chuyển về SCIC thì chưa”, ông nói.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Chủ tịch SCIC còn cho biết vẫn có 78 doanh nghiệp theo quyết định 1232 của Thủ tướng, nếu năm 2018 không thoái được vốn thì phải chuyển về SCIC. Đến nay, SCIC cũng không thấy chuyển về dù đã có đề nghị các cơ quan chức năng khởi động.
“Chúng tôi đề nghị Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo và chấp hành một cách nghiêm túc. Với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì chúng tôi thấy rất nhanh, nhưng với SCIC thì thấy không nghiêm”, ông nói.
Bộ Tài chính cho biết theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn 2017-2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng về SCIC để thực hiện thoái vốn.
Trong số đó có một tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dệt May Việt Nam với giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra còn 6 tổng công ty là: Thép Việt Nam (giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng) do Bộ Công Thương quản lý; Tổng công ty Xây dựng đường thủy; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (do Bộ Giao thông Vận tải quản lý); Tổng công ty Licogi (Bộ Xây dựng quản lý); Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Bộ Y tế quản lý).
Bộ Tài chính cho biết đã thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc với 6 bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hải Phòng.
Đoàn công tác đã thống nhất với các bộ, ngành, UBND tỉnh về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước 34 doanh nghiệp về SCIC, gồm 24 doanh nghiệp chuyển giao theo Quyết định số 1232 và 10 doanh nghiệp chuyển giao theo Nghị định số 151/2013.
Theo báo cáo của SCIC, tính đến hết tháng 11, các bộ, ngành, UBND các tỉnh đã hoàn thành chuyển giao được 27 doanh nghiệp với tổng vốn Nhà nước là 960 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.381 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 đã chuyển giao được 21 doanh nghiệp với số vốn Nhà nước là 822 tỷ đồng. 11 tháng đầu năm 2018 chuyển giao được 6 doanh nghiệp về SCIC với số vốn Nhà nước là 138 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 35 doanh nghiệp với tổng số vốn Nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 4 bộ và 8 UBND tỉnh, thành phố.